Cây dừa Bến Tre - Thực trạng và giải pháp

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Smiley face Lượt xem :1652

Bến Tre là một tỉnh nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long, được hình thành từ ba cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Bến Tre có những vườn dừa mênh mông xanh ngút ngàn và được mệnh danh là “thủ phủ” dừa của Việt Nam. Đối với người Bến Tre, cây dừa có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa cũng như quá trình phát triển kinh tế.
Cây dừa Bến Tre
Vì vậy, muốn tìm được hướng đi cho cây dừa và người trồng dừa ở Bến Tre thì cần phải: Tìm kiếm các kênh phân phối mới và mở rộng cho các thị trường dừa; tìm kiếm cơ hội đầu tư và giao lưu công nghệ chế biến, sản xuất dừa; động viên, khuyến khích, hỗ trợ các chính sách ưu tiên cho nông dân trồng dừa; xúc tiến thương mại, du lịch, các hoạt động bảo vệ môi trường xanh của Bến Tre; quảng bá sâu rộng thương hiệu dừa Bến Tre trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Đưa ra một tầm nhìn mang tính vĩ mô, hướng tới một quy hoạch tổng thể với những biện pháp mang tính thiết thực nhất để hỗ trợ toàn diện, sâu rộng và triệt để cho người nông dân trồng dừa Bến Tre nói riêng, cho thương hiệu dừa của Bến Tre đối với khu vực và trên thế giới nói chung.1
Từ khóa: cây dừa, thực trạng, giải pháp, thương hiệu, công nghệ chế biến
Bến Tre là một tỉnh nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long, được hình thành từ ba cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Từ trên máy bay nhìn xuống, tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt, mà đầu nhọn nằm ở thượng nguồn các nhánh sông lớn, giống như nan quạt xòe rộng ra phía đông. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.315,01 km2, phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía tây và nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65km.
“Là một tỉnh châu thổ nằm sát biển, Bến Tre có địa hình bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ven biển và ở các cửa sông. Bốn bề đều có sông nước bao bọc, Bến Tre có một hệ thống đường thủy gồm những con sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên), ngược về phía thượng nguồn đến tận biên giới Campuchia và một hệ thống kênh, rạch chằng chịt đan vào nhau như những mạch máu chảy khắp ba dải cù lao, rất thuận tiện cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi. Tàu bè từ thành phố Hồ Chí Minh đi về miền Tây và ngược lại đều đi qua đất Bến Tre”2.
Bến Tre có những vườn dừa mênh mông xanh ngút ngàn và được mệnh danh là “thủ phủ” dừa của Việt Nam. Đối với người Bến Tre, cây dừa có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa cũng như quá trình phát triển kinh tế.
Khác với sản xuất lúa gạo, dân cư vùng rừng dừa - sông nước Bến Tre do hoàn cảnh sinh sống với một môi trường tự nhiên đặc biệt ở vùng hạ nguồn sông Cửu Long đã lấy nghề trồng dừa và khai thác chế biến các sản phẩm từ cây dừa cùng với nghề khai thác chế biến các nguồn lợi trên sông nước làm hoạt động sinh sống chủ yếu. Bởi vậy, khi xem xét các hoạt động sản xuất mang tính đặc trưng này của cư dân sống trong rừng dừa - sông nước, chúng ta sẽ nhận diện bản sắc văn hóa thông qua hoạt động lao động sản xuất của người Bến Tre.
Lưu dân Bến Tre bắt đầu công cuộc khai phá mảnh đất cù lao cửa biển vào khoảng thế kỷ XVII, lúc đầu người ta chọn những vùng đất cao ráo, có nguồn nước ngọt, khí hậu ít độc hơn vùng rừng rậm để sinh sống, khai phá cải tạo thiên nhiên.
Vùng đất này có lắm sông, nhiều rạch và độ mặn dao động theo mùa nên việc lựa chọn cây dừa, một loại cây đặc biệt thích nghi với vùng lợ, là một lựa chọn rất phù hợp với môi trường nơi đây.
Khác với cư dân trồng lúa hay đánh cá, nuôi trồng thủy sản, nông dân trồng dừa ở Bến Tre có một nền văn hóa sản xuất rất đặc trưng được thể hiện ở một số mặt sau đây: Lên liếp trồng dừa là một giải pháp biến rừng hoang đất trũng thành một môi trường lý tưởng để trồng dừa. Việc đào mương lên liếp trồng dừa có thể nói là một trong những lối ứng xử độc đáo của người dân Bến Tre với môi trường sống. Họ đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho cây dừa sinh sống và phát triển, thuận lợi cho việc tưới tiêu, thu hoạch và nuôi thủy sản đồng thời với việc trồng dừa. Nhờ có hệ thống mương cộng với chế độ bán nhật triều của sông rạch xứ dừa người ta có thể lấy bùn đẫm nặng phù sa để vun đắp cho cây xanh tốt. Và cũng nhờ hệ thống mương mà người ta có thể “lùa dừa” về bến một cách dễ dàng.
Diện tích dừa ở Bến Tre mỗi năm tăng dần và nơi đây được gọi là “Xứ Dừa” bởi có diện tích và sản lượng dừa cao nhất nước. “Dừa là cây công nghiệp hàng đầu của tỉnh. Tỉnh ủy chủ trương đầu tư thâm canh, khuyến khích tỉa thưa và trồng xen với dừa các loại cây măng cụt, ca cao, đậu xanh, cây có múi; tận dụng mặt nước để nuôi tôm, cá; tận dụng mặt đất để nuôi gia súc, gia cầm,... Ổn định diện tích trồng dừa......, tập trung chủ yếu ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Đại và một phần ở các huyện khác”3.
Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 với chủ đề "Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 4 đến ngày 10/4/2012 tại thành phố Bến Tre cũng là hoạt động nhằm giúp cho tỉnh Bến Tre có điều kiện quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao năng lực trình độ trong sản xuất chế biến dừa. Đồng thời, cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu và tôn vinh những người trồng dừa, các doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu; quảng bá hình ảnh xứ dừa Bến Tre, tạo ra những tiền đề quan trọng để Bến Tre tiếp tục phát triển “kinh tế dừa”, đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất được mệnh danh “Xứ Dừa”.
1. Giá trị của dừa và các sản phẩm từ dừa:
1.1. Dừa và các sản phẩm từ dừa:
Cây dừa được mệnh danh là cây của cuộc sống, cây của 1001 công dụng do tính chất đa dụng của nó, tất cả các phần của cây dừa từ thân, lá, trái, vỏ, xơ, gáo, nước… đều có thể sử dụng phục vụ đời sống con người. Có lẽ không có loại cây trồng nào có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm bằng cây dừa. Cho đến nay các quốc gia thành viên của Hiệp hội Dừa Châu Á -Thái Bình Dương (APCC) đã sản xuất và xuất khẩu được hơn 70 chủng loại sản phẩm từ dừa, trong đó Philippines đóng góp các sản phẩm cao cấp phục vụ công nghiệp như alcohol béo cho đến hàng thủ công mỹ nghệ. Ấn Độ và Sri Lanka lại xuất khẩu nhiều loại sản phẩm từ xơ dừa. Năm 1994, Indonesia xuất khẩu được 102 triệu USD sản phẩm đường từ mật hoa dừa. Ở Philippines, thạch dừa được xuất khẩu thu ngoại tệ hơn 26 triệu USD trong năm 1993 và hơn 17 triệu USD trong năm 1996. Ở Malaysia, sữa dừa cũng đã trở thành sản phẩm quen thuộc được các công ty đem giao tận siêu thị và trường học vào mỗi buổi sáng. Có mấy ai biết được rằng những bánh xà phòng cao cấp của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Unilever, P&G… đều có thành phần chính là dầu dừa. Việc sử dụng nước dừa tươi như là món giải khát tinh khiết, bổ dưỡng đã và đang trở thành một ngành công nghiệp hấp dẫn để phục vụ khách du lịch và xuất khẩu tại các nước Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka….4
1.2. Giá trị của cây dừa:
1.2.1. Giá trị kinh tế:
Nhìn chung, cây dừa có tiềm năng kinh tế lớn và có nhiều lợi thế riêng, có khả năng cạnh tranh với các loại cây ăn quả khác. Thực tế cho thấy nếu nông dân trồng giống dừa năng suất cao, biết áp dụng các biện pháp trồng xen, nuôi xen thích hợp trong vườn dừa đồng thời chế biến các phần của cây dừa thành các sản phẩm có giá trị cao tham gia thị trường, biến vườn dừa trở thành hệ sinh thái nông nghiệp sản xuất và kinh doanh nhiều loại sản phẩm để tận dụng tài nguyên đất đai, ánh sáng, nước, tay nghề lao động trong cộng đồng… thì hiệu quả kinh tế thu được từ cây dừa rất cao. Đã có thời kỳ nông dân chặt dừa trồng nhãn, trồng cây có múi nhưng giờ đây, cùng với sự phát triển của công nghiệp chế biến trái dừa, cây dừa nghiễm nhiên quay trở lại và trở thành loại cây trồng chủ đạo trong cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Cây dừa dễ trồng, không kén đất, không đòi hỏi đầu tư chăm sóc nhiều. Hầu như người trồng dừa rất ít khi bón phân cho cây dừa, hoặc có bón thì lượng phân cũng rất khiêm tốn nhưng cây dừa vẫn mang lại nguồn thu đều đặn hàng tháng cho nông dân mà không tập trung vào một ít tháng trong năm như các loại cây ăn quả khác. Một ưu điểm khác của cây dừa là vấn đề sâu, bệnh gây hại không nghiêm trọng như các cây trồng khác. Thường cây dừa có thể dễ dàng vượt qua và phục hồi nhanh chóng, tiếp tục mang trái sau khi bị tấn công bởi những loài côn trùng, động vật gây hại không nghiêm trọng hoặc được phát hiện sớm mà không cần bất kỳ biện pháp xử lý tốn kém nào. Ưu điểm quan trọng nhất của cây dừa đó là tất cả các phần của cây dừa đều có thể tạo ra thu nhập. Thậm chí khi cây đã chết, thân dừa cũng có thể làm hàng thủ công mỹ nghệ và dụng cụ gia đình.
“Xét về hiệu quả trồng trọt, thì một héc ta dừa tạo ra một giá trị gấp hơn hai lần lúa, nhưng nếu được đầu tư thích đáng, đồng bộ vào khâu chế biến, từ sản phẩm chính đến các sản phẩm phụ, thì giá trị của một hécta dừa sẽ tăng lên nhiều lần, đồng thời cũng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Cây dừa trong hiện tại và cả tương lai sẽ là một chìa khóa tạo nguồn tích lũy không chỉ riêng Bến Tre mà còn góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa của cả nước”5.
1.2.2. Vai trò bảo vệ môi trường:
Cây dừa là một trong số ít các loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng, đất cát nghèo dinh dưỡng, nước mặn xâm nhập, bão tố… Ở Việt Nam, trong điều kiện khắc nghiệt của khô hạn, bão tố, đất cát nghèo dinh dưỡng… của miền Trung và lũ lụt, mặn xâm nhập, nhiểm phèn… Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì cây dừa vẫn tỏ ra thích nghi tốt. Với vai trò là cây trồng tiên phong, cây dừa còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo tiểu khí hậu ổn định, chống xói mòn, giữ vai trò quan trọng trong du lịch sinh thái ở ĐBSCL và ven biển miền Trung, tham gia phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Cây dừa, ngoài mang lại giá trị kinh tế còn có nhiệm vụ chống sạt lở dọc bờ sông. Trước xu hướng xâm nhập mặn càng lúc càng diễn biến phức tạp nên cây dừa là cây trồng rất phù hợp trên vùng đất mặn lợ, đất bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô. Vì trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, các xã dọc theo sông Tiền chưa có hệ thống thủy lợi khép kín, mùa khô nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì chỉ có cây dừa mới chống chịu được với nạn mặn xâm nhập.
Thực tế tại tỉnh Hậu Giang trong những năm qua, đối với các vùng thường xuyên bị mặn xâm nhập, nhưng cây dừa vẫn phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt ở vùng Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ), Hỏa Tiến, Tân Tiến (TP.Vị Thanh). Dù không phải là cây trồng chủ lực, nhưng ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng khuyến cáo bà con thay các cây tạp bằng cây dừa vừa thu được giá trị kinh tế, vừa chống sạt lở ở dọc các tuyến sông. Đặc biệt, cây dừa ít sử dụng thuốc hóa học sẽ tạo được môi trường trong sạch và phát triển bền vững.
Ở những nước văn minh hơn, con người thường có khuynh hướng sử dụng những vật liệu có khả năng tái chế, không gây ô nhiễm môi trường theo xu thế bảo vệ môi trường sạch và bền vững thì cây dừa càng có ý nghĩa hơn nữa về khía cạnh này.
1.2.3. Vai trò xã hội của cây dừa trong đời sống cộng đồng
Ngoài cây dừa, không có loại cây trồng nào khác có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhiều đối tượng xã hội khác nhau, đặc biệt là nông dân nghèo. Với diện tích dừa bình quân dưới 0,5 ha cho một hộ gia đình có từ 4 -5 người, như vậy có khoảng 110 triệu người sống dựa vào cây dừa. Hàng trăm mặt hàng được sản xuất từ các phần khác nhau của cây dừa giải quyết việc làm ổn định cho hơn 50% lao động nông nhàn nông thôn, chính vì thế mà cây dừa được gọi là cây của cuộc sống. Thông qua việc chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ cây dừa người phụ nữ có thể lao động tại chỗ để kiếm tiền, tham gia quán xuyến gia đình mà không phải chỉ dựa vào người chồng, giúp cải thiện tình trạng bình đẳng giới.
Hiện nay, tác động của chuỗi giá trị từ cây dừa có vai trò rất quan trọng đối với khu vực nông thôn bởi đây là ngành hàng có khả năng tạo công ăn việc làm tại chỗ và không đòi hỏi tay nghề cao.
Các sản phẩm được chế biến từ dừa hiện nay rất phong phú và có nhiều cơ hội cho công nghiệp dừa Việt Nam phát triển thông qua chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Các mặt hàng than gáo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa… góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, tận dụng thời gian nông nhàn và giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn, gia tăng thu nhập cho người trồng dừa, và góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần cung cấp một phần thực phẩm và hàng tiêu dùng cho nhu cầu tại chỗ.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất là sau khi nước ta đã gia nhập WTO, Bến Tre có nhiều điều kiện phát huy lợi thế xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, giúp hàng ngàn hộ dân ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Bến Tre phấn đấu đến năm 2020 tăng diện tích dừa lên hơn 60 nghìn ha, đưa sản lượng vượt lên 600 triệu trái năm. Và tỉnh cũng đang tập trung mọi nỗ lực để cây dừa sớm được công nhận là cây công nghiệp trọng điểm quốc gia. Với chiến lược trên, hi vọng trong tương lai không xa, ngành công nghiệp chế biến dừa sẽ phát triển mạnh, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
2. Thực trạng:
2.1.Tình hình ngành nông nghiệp trồng dừa:
2.1.1. Trên thế giới:
Cây dừa được trồng tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế  giới, phân bố ở 20o Bắc và Nam bán cầu với diện tích hơn 12 triệu ha (APCC, 2005), trong đó trên 80% diện tích trồng dừa thuộc các nước Đông Nam Á và Nam Á. Quốc gia trồng dừa nhiều nhất là Indonesia với diện tích 3,8 triệu ha, kế đến là Philippines với 3,1 triệu ha và xếp thứ ba là Ấn Độ với 1,84 triệu ha. Nhìn chung, từ năm 1990 đến nay diện tích trồng dừa trên thế giới biến động tương đối từ 9,9 triệu ha ở năm 1990 đến 10,6 triệu ha ở năm 20036.
2.1.2. Ở Việt Nam:
Theo số liệu của ngành Dầu thực vật thì diện tích dừa Việt Nam đạt đến 330.000 ha vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, sau đó đã giảm sút nhanh còn 154.000 ha (thống kê của FAO, 2004). Hiện nay, diện tích trồng dừa ở nước ta đạt khoảng 200.000 ha, được trồng từ Bắc đến Nam nhưng nhiều nhất là ở vùng ĐBSCL với trên 70%, kế đến là các tỉnh Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng trở vào) chiếm gần 20%. Ở ĐBSCL, diện tích trồng dừa nhiều nhất là Bến Tre, kế đến là Trà Vinh. Diện tích trồng dừa giảm trong giai đoạn thập niên 90 là do giá bán dừa trái thấp, hiệu quả kinh tế từ cây dừa không bằng các loại cây trồng khác nên nhà vườn chuyển đổi sang vườn cây ăn trái như xoài, sầu riêng, nhãn. Từ năm 2004 đến nay, do hoạt động chế biến dừa trái gia tăng, giá bán nguyên liệu dừa trái lên rất cao nên diện tích trồng dừa ở các địa phương liên tục tăng, riêng tỉnh Bến Tre  tiếp tục giữ vị trí tỉnh trồng dừa nhiều nhất cả nước7.
2.1.3. Ở Bến Tre:
Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.322 km2, với 181.551 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm 85.817 ha trong đó có 45.000ha (năm 2007) trồng dừa (chiếm 51,23% diện tích cây lâu năm; 24,795% đất nông nghiệp và chiếm 19,07% diện tích tự nhiên) dừa là cây có diện tích lớn nhất và ổn định nhất so với các cây khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre8. “Bến Tre là vùng sông nước, có 65 km bờ biển, có 4 cửa sông lớn là cửa Đại, Ba Lai, Sông Hàm Luông và Sông Cổ Chiên”9, rất thuận lợi cho giao thông thủy là điều kiện giao thương dễ dàng với quốc gia và quốc tế, mặt khác còn là 4 nguồn phù sa trọng yếu giàu dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng.
Ngành dừa và sản phẩm từ dừa của Bến Tre được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; bởi lẽ đất trời nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, cây dừa là cây có vòng đời hơn 60 năm, hiện diện trên xứ sở nầy hơn 300 năm nên rất thích nghi, đồng thời là cây có chuỗi giá trị dài hơn hẵn các loại cây trồng khác.
Cây dừa được trồng khắp trong tỉnh Bến Tre, tập trung vùng nước ngọt và lợ.
Với diện tích: 103,93%, năng suất:101,44%, sản lượng dừa:105,42%, Bến Tre dự kiến vào năm 2015 đưa vào thu hoạch 5.000 ha dừa trồng từ chương trình năm 2006, đến lúc đó Bến Tre có tới 52.569 ha dừa thu hoạch; với năng suất 7.425 trái thì sản lượng đạt 390.324.825 trái, tăng 10,5% so năm 2008 và là nguồn nguyên liệu dồi dào10.
Sản phẩm từ dừa rất phong phú về chủng loại, đa dạng về giá trị sử dụng, thỏa mãn rất nhiều nhu cầu từ giải khát, thực phẩm, chế biến công nghiệp, thủ công mỹ nghệ đến vật liệu xây dựng, dược phẩm;… và được sản xuất ở tất cả bộ phận: thân, lá, trái, vỏ, nước của dừa. Tình hình sản xuất chế biến sản phẩm từ dừa trong những năm qua được ghi nhận.
Theo số liệu và tính toán trong cột tỷ lệ công suất (%) thì chưa có loại sản phẩm nào đạt tới 85%, có chỉ xơ dừa đạt 84,52% là cao nhất, thấp nhất là thạch dừa chỉ đạt 24,45%; điều này thể hiện tính hiệu quả còn thấp cũng có thể lãng phí, mà công suất đạt thấp dẫn đến giá thành tăng là một trong những lợi thế cạnh tranh bị suy giảm. Tuy nhiên từ bảng này cho thấy có đến 10 chủng loại sản phẩm từ dừa và có nhiều sản phẩm có khả năng xuất khẩu11.
Xuất khẩu là sử dụng lợi thế của quốc gia, nhằm sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn, tình hình xuất khẩu các năm qua: Ngành dừa cũng đã giải quyết hơn 300 ngàn lao động tham gia có việc làm tăng thu nhập, giảm gánh năng lao động dôi dư đồng biến với tốc độ công nghiệp hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo đáng kể, tăng trưởng kinh tế của địa phương.
2.2. Vấn đề bất cập:
Ở nước ta, kinh tế tiểu nông nhìn chung là bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vào xã hội, nhiều khi không thể tiến hành tái sản xuất được12.
Cây dừa là cây công nghiệp lâu năm, tuy nhiên thời gian qua chưa thực sự được quan tâm do lấn cấn giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương nên đến nay cây dừa chưa được liệt vào danh sách cây trồng chủ lực.
Từ khoảng cuối năm 2011 đến nay, trái dừa ở tỉnh Bến Tre bị mất giá. Giá dừa khô loại 1 không đến 40.000 đồng chục (12 quả), còn dừa xiêm xanh giá 45.000 đồng chục, dừa xiêm lai giá 40.000 đồng chục. Như vậy 1 ha trồng dừa chỉ đạt doanh thu khoảng 1 triệu đồng tháng13.
Theo các doanh nghiệp chế biến dừa, hiện nay họ mua cơm dừa với giá 6.800-7.000 đồng kg, tức khoảng 40.000 đồng chục dừa. Tuy nhiên, do có quá nhiều khâu trung gian nên giá tại vườn và tại nhà máy chênh lệch tới 10.000 đồng/chục14.
Trước tình trạng dừa rớt giá, thu nhập từ vườn dừa giảm hơn 70%, nhiều nông dân ở Bến Tre đang có kế hoạch phá bỏ vườn dừa chuyển sang trồng cây khác. Đặc biệt, nhiều trường hợp sống ven sông Hàm Luông (huyện Giồng Trôm) đã cho các doanh nghiệp thuê đất vườn dừa đào ao nuôi cá tra. Tại huyện Bình Đại, người dân cũng phá bỏ nhiều vườn dừa để nuôi tôm. Đáng chú ý, không ít hộ dân có trong dự án ngọt hóa của cống đập Ba Lai cũng triệt hạ vườn dừa đưa nước mặn về nuôi tôm thẻ chân trắng... Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất cơm dừa nạo sấy xuất khẩu khẳng định: Giá dừa khô tuột không phanh như hiện nay do ảnh hưởng chính từ thị trường thế giới. Hiện nay, thị trường châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông tiêu thụ hơn 50% sản phẩm cơm dừa nạo sấy đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, giá cơm dừa nạo sấy từ 2.900 USD tấn còn 1.300 - 1.500 USD tấn, các doanh nhiệp phải hạ giá thu mua nguyên liệu đầu vào. Đây là tình trạng chung của các nước trong khu vực có ngành trồng dừa và xuất khẩu cơm dừa nạo sấy. Một nguyên nhân chính nữa, nhu cầu thu mua dừa khô nguyên liệu trên sông Hàm Luông của các tàu Trung Quốc cũng giảm mạnh. Các thương lái dừa phản ánh: Trước đây, thường xuyên có 5 - 6 tàu Trung Quốc mua dừa trên sông Hàm Luông nhưng nay giảm còn 3 - 4 chiếc15.
Theo ngành chức năng tỉnh Bến Tre, nguyên nhân dừa trái giảm giá là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính thế giới. Các thị trường châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ giảm nhập khẩu dừa. Mặt khác, bất ổn chính trị ở Trung Đông - nơi tiêu thụ rất lớn các sản phẩm dừa từ Việt Nam cũng đã giảm sức mua. Trong khi đó, các nước có sản lượng dừa lớn như: Indonesia, Srilanka, Philippine… cạnh tranh giảm giá để xuất khẩu dừa. Đối với thị trường trong nước trái dừa tiêu thụ không đáng kể.
Do đó, trái dừa giảm giá không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người nông dân mà còn làm giảm đến giá trị xuất khẩu của tỉnh, làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động tại địa phương. Thời gian qua, cây dừa đã tạo ra giá trị tăng thêm rất lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, cây dừa vẫn chưa được Nhà nước quan tâm, ưu đãi như các loại cây công nghiệp khác như: mía, cà phê, điều, cao su…Năm qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới đưa giống dừa vào danh mục giống của Quốc gia. Đến nay, dừa rớt giá các ngành, các cấp vẫn chưa có động thái gì để hỗ trợ nông dân.
Ngoài việc ứng phó với việc dừa rớt giá, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa ở Bến Tre còn nhiều hạn chế như:
- Công nghệ sản xuất chưa thật sự tiên tiến.
- Đội ngũ lao động sử dụng kinh nghiệm là chủ yếu.
- Tổ chức sản xuất phân tán, tăng chí phí đầu vào, giảm lợi thế cạnh tranh.
- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật tốn kém, hiệu quả kinh tế-xã hội thấp.
- Hệ thống thông tin chưa đủ mạnh, các kênh phân phối còn nhiều bất cập.
- Ô nhiễm môi trường ...
3. Giải pháp:
Nhận định cây dừa là cây truyền thống, biểu tượng của tỉnh, đồng thời với sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây dừa, tỉnh Bến Tre đã có chủ Trương khôi phục vườn dừa thông qua các biện pháp:
- Thâm canh.
- Đốn tỉa bớt vườn dừa quá dày.
- Trồng xen để tăng thu nhập, trong đó đặc biệt giới thiệu mô hình trồng cây có múi và cây ca cao xen canh trong vườn dừa.
- Đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa để tăng nguồn hàng xuất khẩu như: cơm dừa nạo sấy, thạch dừa...
Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO. Xu hướng toàn cầu hóa, đã mở ra nhiều cơ hội để ngành dừa - sản phẩm từ dừa nắm lấy, cùng với lợi thế tiềm năng từ tự nhiên ban tặng, kết hợp kinh nghiệm và truyền thống sản xuất dừa của người dân Bến Tre một lần nữa làm cho ngành dừa và sản phẩm từ dừa “Đồng Khởi”.
Sự phát triển vượt bậc của nhân loại về khoa học kỹ thuật, tiến trình hội nhập sâu - rộng mang tính quốc tế hóa, cùng với tiềm năng của đất -nước và con người cần cù lao động, giàu lòng nhân ái, có truyền thống không khuất phục trước nhũng khó khăn, sẵn sàng lao vào trận mới “xóa đói giảm nghèo”.
Để ngành dừa - sản phẩm từ dừa phát triển bền vững xứng đáng với ngành mũi nhọn, cần có những chọn lựa quyết sách vừa mang tính khoa học và thực tiễn sát với tình hình của địa phương, phải giải quyết các vấn đề chủ yếu sau:
- Xây dựng chiến lược sản phẩm từ dừa 2010-202016:
1. Chiến lược phát triển mở rộng thị trường: Giữ ổn định khách hàng cũ là Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan; thị trường mới Hàn Quốc và Nhật Bản; thị trường tiềm năng là EU, bằng các thông tin trên mạng, thu thập tìm hiểu thị trường mới tham gia chương trình hội chợ giới thiệu sản phẩm.
2. Chiến lược về sản phẩm: gia tăng số lượng, chất lượng đối với sản phẩm hiện hữu và hoàn thiện sản phẩm mới. Đổi mới công nghệ, thiết kế lại sản phẩm, hợp lý hóa quá trình sản xuất; rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm mới để sớm đưa ra thị trường.
3. Chiến lược hội nhập dọc về phía trước: Quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại rộng rải.
4. Chiến lược hàng ngang 
- Tập trung nghiên cứu đưa ra những sản phẩm mới.
- Tái cấu trúc và tổ chức hệ thống sản xuất, các kênh phân phối.
5. Chiến lược hội nhập dọc về phía sau
- Có chính sách thu mua nguyên liệu hợp lý, cũng như phương thức thu mua và thanh toán.
- Hỗ trợ ưu đãi về giống, kỹ thuật, vốn cho nông dân, những nhà cung cấp.
Xây dựng và lựa chọn chiến lược là quá trình tìm kiếm lựa chọn xác định mục tiêu và đề ra con đường để đạt mục têu đó; thế nhưng đó mới chỉ là khả năng vì vậy biến khả năng thành hiện thực phải cần đến các giải pháp đồng bộ, thích ứng và năng động.
- Hoạch định - tái cấu trúc lại ngành sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa theo cụm hoặc khu công nghiệp với hướng tập trung, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng kỹ thuật tiên tiến nâng cao hiệu quả.
- Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có tay nghề cao cho ngành dừa, không chỉ phục vụ cho hiện tại mà còn nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trong tương lai.
- Hình thành các hệ thống tiếp thị, kênh phân phối còn thiếu và yếu.
- Có chính sách đột phá ưu đãi cho ngành dừa và các công cụ giữ nguồn nguyên liệu.
Như vậy, ngành dừa phát triển bền vững không những giải quyết thêm nhiều lao động xã hội có việc làm, tăng thu nhập mà còn tạo ra nhiều ngành nghề mới, đồng thời là động lực hiệu ứng thúc đẩy các lĩnh vực hoạt động khác phát tiển theo, trong đó có lĩnh vực dịch vụ - du lịch và thương mại chịu tác động tích cực.
Thể chế thị trường nông sản nếu chủ yếu chỉ dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp theo kiểu nông nghiệp hợp đồng thì sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông và làm cho thương nghiệp không công bằng vì giá cả do doanh nghiệp quyết định, nông dân không có quyền mặc cả trên thị trường. Muốn giải quyết tình trạng này phải phát triển song song cả các hợp tác xã có các hoạt động chế biến và buôn bán thì việc phân phối thu nhập mới được công bằng. Nhà nước không thể trợ giúp nông dân thông qua doanh nghiệp nhà nước vì doanh nghiệp có mục tiêu thu lợi nhuận, mà phải hỗ trợ thông qua các dịch vụ công. Hiện nay, các dịch vụ công phục vụ phát triển nông nghiệp còn yếu, đặc biệt các hộ nghèo ít được hưởng lợi. Chúng tôi đã xây dựng được hệ thống cung cấp dịch vụ công do các tổ chức nông dân thực hiện cùng với nhà nước và thị trường cho phép nâng cao hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ cho nông dân.Mô hình của dự án Dialos về dịch vụ nông thôn cần được nhân rộng ra các vùng khác.17
Trước đây, nông dân trồng dừa chủ yếu tự để giống là chính nên chất lượng không cao. Hơn nữa, các giống dừa truyền thống thường phải trồng từ 5-6 năm mới cho trái. Tuy nhiên, với các giống dừa mới hiện nay nếu được chăm sóc tốt thì chỉ cần 2,5-3 năm là đã bắt đầu cho trái. Do đó, nhiều người đã tìm mua các giống dừa mới để trồng. Nông dân cho biết, hiện giá dừa giống đã tăng mạnh và rất khó mua. Nhiều người phải đặt hàng trước 3 -4 tháng mới mua được giống.
Để giải nguy cho các vườn dừa, Sở NN & PTNT tỉnh Bến Tre đã kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tìm phương án chặn dịch và phát triển lại diện tích trồng dừa. Nông dân được hỗ trợ vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật ươm trồng để khôi phục sản xuất. Ông Đỗ Văn Công, Trưởng phòng KH – KT, Sở NN & PTNT tỉnh nhớ lại, hầu hết các giống dừa ở địa phương là giống cũ, năng suất thấp, sức đề kháng sâu bệnh kém nên hiệu quả kinh tế không cao. Song song với việc trồng các giống dừa mới thay thế, phải tìm đầu ra cho cây dừa, để người dân có thể sống được bằng nghề trồng dừa. Bằng nỗ lực của chính quyền địa phương, đội ngũ các chuyên gia khoa học và nông dân, Bến Tre đã dần khôi phục lại diện tích trồng dừa và đưa cây dừa trở thành cây kinh tế chủ lực của tỉnh. Từ diện tích 35.000 ha (năm 2003) đến nay Bến Tre đã có hơn 60.000 hecta trồng dừa, chiếm gần 40% diện tích trồng dừa cả nước. Trong đó hai huyện Châu Thành và Mỏ Cày Nam chiếm diện tích lớn nhất. Nhiều hộ dân ở xã An Phước, huyện Châu Thành cũng bắt đầu phát triển vườn dừa theo hướng trồng xen canh các loại cây trồng khác hoặc xen canh nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt để tăng thu nhập. Với phương án này, Bến Tre không chỉ phát triển cây dừa truyền thống mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân. Để phát triển thương hiệu cây dừa Bến Tre, vừa qua, Hiệp hội Dừa Bến Tre đã thành lập chi hội trồng dừa ở 8 huyện trong tỉnh nhằm giúp đỡ nông dân về kỹ thuật chăm sóc và nhằm nâng cao giá trị cây dừa18.
Thật ra, với diện tích dừa như hiện nay vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy, cơ sở chế biến dừa ở tỉnh Bến Tre. Cho nên vấn đề mở rộng, nâng cao chất lượng vườn dừa ở địa phương này là cần thiết. Với 2 dự án phát triển vườn dừa chuyên canh và phong trào tự phát của nông dân đã làm tăng diện tích dừa mỗi năm lên gần 5.000 ha. Đối với 60% vườn dừa đã “lão” cần được nhà vườn đốn bỏ thay thế bằng các giống dừa chất lượng cao. Cũng như các loại trái cây khác, cây dừa cũng rất cần sự hợp tác giữa 4 nhà: "nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà vườn” để tạo ra chuỗi liên kết từ việc trồng và tiêu thụ sản phẩm.
Để có thể cung ứng đủ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dừa, tỉnh Bến Tre đang xây dựng những vùng chuyên canh dừa tập trung ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm và trồng dừa theo mô hình hộ gia đình.
Để phát triển nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và năng suất lao động cao không phải là xóa bỏ kinh tế hộ nông dân, phát triển trang trại mà là tổ chức hợp tác xã kiểu mới có chế biến và buôn bán chung để mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện thương nghiệp công bằng. Hiện nay đang thiếu một hệ thống dịch vụ trợ giúp cho nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, bắt đầu từ việc xây dựng các tổ hợp tác, như trường học để tiến lên HTX. Đây là biện pháp cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình nông dân bắt đầu từ Nghị quyết 10, chuyển hộ nông dân lên thành nông trại gia đình như ở các nước tiên tiến19.
Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện nhiều dự án hỗ trợ như cải tạo khoảng 20 nghìn ha dừa lâu năm, trồng xen canh dừa với cây ca cao, tăng diện tích vườn dừa cao sản và ứng dụng mô hình xen canh dừa với nuôi tôm càng xanh...
Việc nghiên cứu lai tạo, chọn giống dừa được quan tâm đầu tư đặc biệt, nhờ đó nhiều giống dừa tốt đã được nghiên cứu lai tạo thành công như: dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh, dừa xiêm vàng, dừa Tam Quan, dừa dứa, dừa sọc, dừa sáp… và các giống dừa lai. Đặc biệt, hiện nay các giống dừa chịu được nhiễm mặn cũng đang được trồng thử nghiệm để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Để cây dừa Bến Tre đi theo hướng phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết: Huyện đang hướng người dân mở rộng thêm diện tích trồng dừa đối với tiểu vùng đã quy hoạch phát triển cây ăn trái. Vì trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, các xã dọc theo sông Tiền chưa có hệ thống thủy lợi khép kín, mùa khô nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì chỉ có cây dừa mới chống chịu được với nạn mặn xâm nhập. Đặc biệt, cây dừa ít sử dụng thuốc hóa học sẽ tạo được môi trường trong sạch và phát triển bền vững. Còn ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thì khẳng định: Cây dừa là một trong những chủng loại cây trồng được BộNN&PTNT chỉ đạo sản xuất. Bến Tre là tỉnh đi tiên phong trong chính sách đầu tư phát triển cây dừa. Cục Trồng trọt sẽ có đề xuất chương trình hỗ trợ địa phương phát triển cây trồng này đi theo hướng bền vững. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, cây dừa là cây trồng có khả năng chịu được ẩm độ và mặn... là một trong những cây trồng thiên niên kỷ, giải quyết việc làm nông thôn gắn với các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Theo ông Hòa, cây dừa được xác định là cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, chính vì thế, khi các địa phương mở rộng diện tích dừa, phải tính toán kỹ quy hoạch và cơ cấu cụ thể giữa dừa uống nước và chế biến để điều tiết thị trường. Như vậy, ngay từ khâu giống phải tốt và theo đó phải hướng nhà vườn sản xuất theo hướng sạch, an toàn và bền vững môi trường, sẽ giúp nông dân làm giàu từ cây trồng truyền thống này20.
Ngoài ra, tỉnh đã kiến nghị trung ương miễn đánh thuế xuất khẩu dừa trái để tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đẩy mạnh thu mua; miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế khoán. Vừa qua tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị Bộ Công Thương điều tiết cho tỉnh khoản tiền bù thuế xuất khẩu dừa trong năm 2011(khoảng 12 tỉ đồng) để tạo quỹ bình ổn giá dừa và hỗ trợ đầu tư cho nông dân trồng dừa. Mặt khác, tỉnh cũng đang cân đối lại các nguồn thu ngân sách để bổ sung vốn hỗ trợ cho ngành chế biến dừa xuất khẩu. Ông Hồ Vĩnh Sang (chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre) hi vọng gói hỗ trợ cứu doanh nghiệp 29.000 tỉ đồng sẽ tới được các doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu. Nếu được các ngân hàng cho vay vốn ưu đãi, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn thu mua dừa dự trữ và xúc tiến tìm thị trường mới21.
Ông Trần Văn Tiền, Phó phòng NN & PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Xác định cây dừa là cây trồng chủ lực của địa phương nên trong thời gian qua phòng NN huyện đã triển khai phân bổ các giống dừa mới, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt đến tận tay người dân nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây dừa. Hình thành lối thâm canh theo chiều sâu, cải tạo những vùng đất chua phèn, hoang hóa để trồng dừa. Cuộc sống người dân trồng dừa đang thay đổi từng ngày, họ đã yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu với cây trồng truyền thống”22.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ III được nâng cấp lên quy mô quốc gia và có sự tham gia của các đoàn khách quốc tế với tên gọi: Festival Dừa Bến Tre lần thứ III. Festival Dừa Bến Tre lần thứ III - năm 2012 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Điều đó đã phần nào làm ảnh hưởng tới kinh tế và các hoạt động sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Sự sụt giảm của giá dừa trong thời gian gần đây đã có ảnh hưởng nhất định đến thu nhập và tâm lý của những người nông dân trồng dừa ở Bến Tre nói chung, của tỉnh Bến Tre nói riêng.
Thông qua hệ thống các chương trình sự kiện, Festival Dừa Bến Tre lần thứ III đã đưa ra một tầm nhìn và quy hoạch tổng thể đối với việc trồng, khai thác, chế biến, sản xuất, trao đổi và đầu tư công nghệ, hỗ trợ chính sách cho nông dân trồng dừa và tìm những kênh phân phối mới, mở rộng thị trường cho các sản phẩm dừa. Qua đó, nâng cao chuỗi giá trị toàn diện của cây dừa, không chỉ với tư cách là một sản phẩm kinh tế mà rộng lớn hơn là một sản phẩm văn hóa, du lịch và môi trường.
Các kênh truyền thông phủ sóng đồng bộ như quảng bá trực quan trên các đường phố chính ở thành phố và các tỉnh lộ, huyện lộ tại các địa phương; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, Báo Đồng Khởi, đài truyền thanh các xã. Qua đó có thêm kênh phân phối mới, những thị trường mới, những công nghệ mới, những cơ hội đầu tư mới và đặc biệt là thương hiệu của các sản phẩm dừa của Bến Tre có một vị thế mới trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Kết luận
Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện đất đai rất thích hợp cho cây dừa phát triển nên dừa ở đây sai trĩu quả và lượng dầu cao hơn so với các vùng khác của cả nước.
Ở đây, khó có loại cây trồng nào có giá trị sử dụng cao như cây dừa, dừa được sử dụng làm mọi thứ, từ đồ ăn, thức uống, cho đến các vật dụng trong gia đình, hàng thủ công mĩ nghệ và kể cả làm nhà. Vì vậy, dừa đang là một trong những cây trồng thế mạnh của người nông dân Bến Tre.
Dừa là loại cây trồng lâu năm chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống cây trồng của Bến Tre. Cây dừa và hoạt động sản xuất, chế biến dừa đã tạo nên một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đặc biệt trên vùng đất hạ nguồn sông Cửu Long. Diện mạo ấy không ngừng biến đổi và gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển xứ dừa Bến Tre.
Thực trạng trong chuỗi giá trị dừa hiện nay, các tác nhân liên kết mang tính đứt đoạn, lỏng lẻo ở từng công đoạn sản xuất, chế biến và thương mại, vì vậy khó đảm bảo chất lượng sản phẩm và ổn định giá, năng lực cạnh tranh nhất là đối với thị trường xuất khẩu.
Thực tế, việc nuôi trồng tự phát đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân, kéo theo thiệt hại cho cả doanh nghiệp, bởi nhà máy chế biến cũng không thể chủ động được nguồn nguyên liệu.
Đặc biệt, những lo lắng về tính ổn định của thị trường Trung Quốc là có nguyên nhân. Bởi thương lái Trung Quốc từng sang mua cau sấy, chuối non, sầu riêng non, mua đĩa giá cao ngất ngưởng, để rồi ngay sau đó: ngưng mua thì rớt giá. Những nhà nông đã “chạy đua” theo lợi nhuận buồn đau khóc hận trên vườn cây của mình.
Song không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thị trường hay cho nông dân. Bởi thị trường phải theo quy luật cung cầu, còn nông dân luôn chạy theo lợi nhuận cao là điều tất yếu.
Các vấn đề lớn của nông nghiệp nước ta sau quá trình đổi mới là chất lượng nông sản còn thấp, nên giá trị gia tăng thấp vì chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, chưa chế biến, quy mô sản xuất nhỏ nên giá thành cao, năng suất lao động thấp. Muốn tăng giá trị gia tăng của nông sản cần cải tiến chất lượng sản phẩm bằng cách phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các sản phẩm có xuất xứ địa lý, các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc tế, sản phẩm hữu cơ. Để làm được việc này cần xây dựng thể chế quản lý chất lượng nông sản đi đôi với việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Hiện nay trên thế giới người ta phê phán nhiều chủ nghĩa năng suất (productivism), nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng nông sản23.
Như vậy, muốn tìm được hướng đi cho cây dừa và người trồng dừa ở Bến Tre thì cần phải tìm kiếm các kênh phân phối mới và mở rộng cho các thị trường dừa; tìm kiếm cơ hội đầu tư và giao lưu công nghệ chế biến, sản xuất dừa; động viên, khuyến khích, hỗ trợ các chính sách ưu tiên cho nông dân trồng dừa; xúc tiến thương mại, du lịch, các hoạt động bảo vệ môi trường xanh của Bến Tre; quảng bá sâu rộng thương hiệu dừa Bến Tre trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Đưa ra một tầm nhìn mang tính vĩ mô, hướng tới một quy hoạch tổng thể với những biện pháp mang tính thiết thực nhất để hỗ trợ toàn diện, sâu rộng và triệt để cho người nông dân trồng dừa Bến Tre nói riêng, cho thương hiệu dừa của Bến Tre đối với khu vực và trên thế giới nói chung.
Đặc biệt, Festival Dừa Bến Tre lần thứ III vừa qua đã hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là làm sao cho người nông dân trồng dừa, các nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp của Bến Tre có thể làm giàu hơn nữa từ cây dừa với tư cách là một chuỗi giá trị đầy tiềm năng, mang tính tổng hợp và bền vững. Có thể nói, Festival Dừa Bến Tre lần thứ III là một festival hướng tới các lợi ích mang tính chiến lược cho toàn thể cộng đồng những người nông dân trồng dừa và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa.
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

Tổng bình luận [ 0 ]


Bình luận của bạn