Năng suất - Chất lượng dừa Bến Tre và một số nước trong khu vực

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Smiley face Lượt xem :1652

Tóm tắt
Theo Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương, Cây dừa được trồng ở 93 quốc gia vùng nhiệt đới với tổng diện tích 12,05 triệu ha vào năm 2010, trong đó diện tích dừa của các nước Châu Á – Thái Bình Dương là 10,62 triệu ha, chiếm 85,05%. Sản lượng cơm dừa khô thế giới 12,22 triệu tấn trong đó các nước Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 84,27%.


Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4,2% diện tích dừa của Indonesia, 4,5% diện tích dừa của Philippines, 8,4% diện tích dừa của Ấn Độ, 40,5% diện tích dừa của Sri Lanka. Tuy nhiên, năng suất dừa bình quân của Việt Nam (dừa Ta Bến Tre) đạt 9.863 trái/ha/năm tương đương 1,9 tấn copra/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC, chỉ đạt 0,9 tấn copra/ha), Philippines, Indonesia (0,85 tấn), Ấn Độ (1,1 tấn).
 Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất trong cả nước, chiếm 40% diện tích dừa của Việt Nam. Bến tre có đa dạng sinh học giống dừa bản địa với năng suất và chất lượng tốt như giống dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Dứa. Năng suất bình quân của các giống dừa cao bản địa được tuyển chọn đạt > 60 quả/cây/năm, hàm lượng dầu đạt >65%. Một số giống dừa uống nước như dừa Xiêm, chất lượng ngon, ngọt (độ brix đạt >7%).
1. MỞ ĐẦU
Cây dừa, tên gọi khoa học là Cocos nucifera, thuộc chủng “var. typica” có thể tìm thấy ven bờ biển và sâu trong nội địa các nước nhiệt đới nằm giữa hạ chí tuyến và đông chí tuyến. Vì vậy, cây dừa có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái khác nhau. 
Trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu về dừa từ giống, kỹ thuật trồng, bảo vệ thực vật và chế biến các sản phẩm từ dừa. Qua các thông tin thu thập từ nhiều nguồn: Các Hội nghị quốc tế về dừa được tổ chức trong nước cũng như nước ngoài, các lớp đào tạo tập huấn về dừa ở một số nước, các thông tin thu thập trên mạng, sự tích lũy kiến thức chuyên môn về cây dừa trong công tác nghiên cứu, chúng tôi xin được trình bày một số thông tin về dừa của một số nước trên thế giới và Việt Nam. Qua đó, cho thấy sự khác biệt về năng suất, chất lượng và tình hình sản xuất các sản phẩm từ dừa của Việt Nam và một số nước trong khu vực.
2. TÌNH HÌNH SẢN SUẤT DỪA MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG
2.1 Diện tích, năng suất, sản lượng dừa
Theo Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương, Cây dừa được trồng ở 93 quốc gia vùng nhiệt đới với tổng diện tích 12,05 triệu ha vào năm 2010, trong đó diện tích dừa của các nước Châu Á – Thái Bình Dương là 10,62 triệu ha, chiếm 85,05%. Sản lượng cơm dừa khô thế giới 12,22 triệu tấn trong đó các nước Châu Á, Thái Bình dương chiếm 84,27% [APCC, 2011]
Trong các nước Châu Á - Thái Bình Dương, Indonesia là nước có diện tích dừa 3,799 triệu ha và sản lượng dừa 3,247 triệu tấn lớn nhất, kế đến là Philippines diện tích 3,56 triệu ha, sản lượng 3,03 triệu tấn.
Cây dừa đóng một vai trò quan trọng trong các hộ gia đình ở các nước nhiệt đới. Có khoảng 70% dừa được tiêu thụ nội địa tại các nước sản xuất, hơn phân nửa là được tiêu thụ dưới dạng trái tươi. Phần còn lại được tiêu thụ ở dạng dầu thực vật hoặc dùng cho công nghiệp. Một cuộc nghiên cứu ở East Kalimantan, Indonesia cho thấy mỗi người tiêu thụ 7,5kg dầu dừa trong năm 2010 [APCC, 2011]. Sản lượng dầu đậu nành chiếm nhiều nhất trên thế giới (31%), dầu cọ 30%, dầu dừa chỉ chiếm 3%. 
2.2 So sánh năng suất và chất lượng dừa một số nước trồng dừa trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương
► Indonesia
Năm 2011, diện tích dừa của Indonesia là 3,799 triệu ha với sản lượng trái đạt 16,235 tỷ trái, sản lượng cơm dừa đạt 3,247 triệu tấn. Hầu hết các giống dừa được sử dụng là giống dừa cao. Giống dừa cao địa phương bắt đầu được tuyển chọn năm 1970, trong đó có một số giống dừa có hàm lượng dầu cao như Mapaget, Tenga, Bali, Palu, Sawarna, Riau, Igo Daku, và một số các giống địa phương khác.
Đối với các giống dừa lùn không được trồng trên diện tích rộng. Giống dừa lùn vàng Nias Yellow Dwarf (GKN) được sử dụng làm cây mẹ để lai tạo. Năm 1993, giống lùn vàng Nias được trồng 1.856 ha và sản xuất được 16 triệu trái giống. Tuy nhiên, sau 20 năm, các giống dừa lai này chưa mang lại năng suất cao như mong đợi. Các yếu tố môi trường không thích hợp cho sự phát triển các giống dừa lai. Hơn nữa, chi phí đầu tư, chăm sóc các giống dừa lai quá cao, người dân không đủ khả năng và họ thích trồng các giống địa phương hơn. Trong các giống dừa cao địa phương giống cao Bali và cao Palu có các chỉ tiêu năng suất hơn giống Tenga với trọng lượng cơm dừa tươi > 600g.
► Philippines
Năm 2011, diện tích dừa của Philippines chiếm 3,56 triệu ha với tổng số cây cho trái thu hoạch 341,3 triệu cây, sản lượng trái đạt 15,54 tỷ trái tương đương sản lượng cơm dừa đạt 3,03 triệu tấn. Philippines có 4 tổ chức nghiên cứu cây dừa một cách có hệ thống từ khâu giống, kỹ thuật trồng, bảo vệ thực vật và chế biến các sản phẩm từ dừa. Đặc biệt, về công tác chọn tạo giống dừa: Trường Đại học và Trung học Nông nghiệp Los Bagnos, Laguna (UPLB), Trường Nông nghiệp Visayas, Baybay (ViSCA), Trung tâm nghiên cứu dừa ở Davao (TRRC), Trung tâm nghiên cứu dừa ở Zamboanga (PCA). Những giống dừa địa phương cho năng suất cao như:
-          Nhóm dừa cao: Bago – Oshiro (Cao Hijo (HJT)), Baybay (BAY), Laguna (LAG), Macapuno (MAC), San Ramon (SNR), Tagnanan (TAG).
-          Nhóm dừa lùn: Catigan (CAT), Tacunan (TAC), Kinabalan (KIN), và dừa dứa (ARO)
Giống dừa cao Laguna và giống lai PCA 15-1 (Catigan x Laguna) cho năng suất và thu nhập cao nhất so với các giống dừa khác. Sau 11 năm trồng giống Laguna cho năng suất copra đạt 3,09 tấn/ha/năm, thu nhập US$ 945, giống lai (PCA 15-1) đạt 4,05 tấn/ha/năm, thu nhập US$ 1132. Kích thước và khối lượng cơm của giống dừa địa phương (476 – 534g) lớn hơn so với giống dừa lai PB 121 (229g). Giống dừa lai PB121 cho năng suất trái/ha/năm (14.426 trái) cao hơn giống dừa địa phương (13 941 trái).
Đánh gía chất lượng trái (FQV) cho thấy giống dừa cao địa phương (0,43)* và các giống dừa lai trong nước PCA 15-2, PCA 15-3 (0,45 – 0,46)* cao hơn so với giống dừa lai PB 121 (0,37)*. Hàm lượng dầu giống dừa cao địa phương (63,50%) và các giống dừa lai trong nước PCA 15-1, PCA 15-2, PCA 15-3 (62,9 – 64,30%) cao hơn so với giống dừa lai PB 121 (62,20%).
Phương pháp nuôi cấy phôi dừa thường được áp dụng đối với các giống dừa như dừa đặc ruột hay còn gọi là dừa sáp để nâng cao tỷ lệ đặc ruột.  Với phương pháp nhân giống ươm từ trái thì chỉ có 20 – 25% đặc ruột. Bằng phương pháp nuôi cấy phôi dừa có thể nâng tỷ lệ đặc ruột lên 75- 90%.
► Ấn Độ
Ấn Độ là nước sản xuất dừa lớn thứ 3 trên thế giới. Năm 2011, diện tích dừa của Ấn độ chiếm 1,903 triệu ha với sản lượng trái đạt 14,744 tỷ trái tương đương sản lượng cơm dừa đạt 2,1 triệu tấn. Cây dừa ở Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Có khoảng 5 triệu hộ dân trồng dừa, trong đó có 98% chiếm diện tích dưới 2 ha và ước tính có 10 triệu nông dân sống nhờ vào cây dừa một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Các giống dừa trồng phổ biến ở Ấn Độ như:
-          Nhóm dừa cao địa phương: West Coast Tall (WCT), East Coast Tal (ECT), Tiptur tall, Laccadive Ordinary, Andaman Ordinary. Các giống dừa này có trọng lượng copra bình quân 150 g/trái, hàm lượng dầu từ 66-70%.
-          Nhóm dừa lùn: có 3 giống dừa lùn: lùn xanh Chowghat (CGD) và lùn cam Chowghat (COD), xuất xứ từ vùng Kerala và Gangabondam, một giống lùn xanh xuất xứ từ vùng Andhra Pradesh.
Dừa Lùn cam Chowghat (COD) có thể tích nước 350ml, hàm lượng đường 7g/100ml, có hàm lượng Kali cao 2003ppm. Bên cạnh đó nhóm trung gian giữa dừa cao và dừa lùn như Laccadive Micro, Kappadam, Calangute, Nadora, Beaulim. Giống dừa lai có hàm lượng dầu cao (69 – 70%), năng suất trái/cây/năm từ 95 – 140 trái gấp 1,2 đến 2 lần so với giống địa phương (80 trái). Giống dừa lai có nhu cầu dinh dưỡng cao gấp 2 lần so với giống dừa cao địa phương.
► Sri Lanka
Năm 2011, diện tích dừa của Sri Lanka chiếm 395 ngàn ha với sản lượng trái đạt 2,909 tỷ trái tương đương 556 ngàn tấn cơm dừa. Năng suất bình quân 7.364 trái/ha/năm. Hiện nay, 70% cây giống cung cấp cho việc trồng lại và trồng mới ở Sri Lanka là từ các trái giống thu thập từ các cây mẹ được bình tuyển.Năm 1984, Viện Nghiên cứu dừa của Sri Lanka đã lai tạo ra các giống lai mới: CRIC 60 (Cao x Cao), CIRIC 65 (Lùn x Cao) có các chỉ tiêu về sinh trưởng, năng suất vượt trội hơn so với giống địa phương. Giống lai CRIC 65 ra trái sớm (3 - 4 năm sau khi trồng), chịu hạn cao hơn so với giống địa phương, năng suất/trái/cây/năm (120 trái) gấp 3 lần so với giống địa phương.
► Trung Quốc
Năm 1997, diện tích dừa của Trung Quốc 30.000 ha trồng tập trung ở đảo Hải Nam. Năm 2011, diện tích tăng khoảng 50.000 ha. Dừa là cây trồng nhiệt đới quan trọng nhất ở Đông Nam, đảo Hải Nam Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Dừa Trung Quốc (Coconut Research Institue CRI) đã xây dựng được tập đoàn giống dừa gồm 71 giống dừa trong nước và 32 giống dừa nhập nội. Giống dừa cao địa phương sinh trưởng tốt, chịu được bảo và thời tiết lạnh, trái to nhưng ít trái. Năng suất của giống dừa cao địa phương chỉ đạt 30 quả/cây/năm. Giống dừa lùn vàng được sử dụng làm vật liệu trồng trong lai tạo. Giống dừa Dứa được dùng uống nước. Giống dừa lai MAWA (còn gọi là PB 121) được trồng nhiều ở Đông Nam đảo Hải Nam và một giống lai WY78F1 được lai tạo thành công giữa Lùn vàng và Cao địa phương cho năng suất cao gấp 3-6 lần so với các giống khác. Giống dừa cao địa phương chiếm tỉ lệ 90%, nhiều nhất trong cơ cấu giống dừa Trung Quốc. Giống dừa lai chỉ chiếm 2%.
► Thái Lan
Từ năm 2000, diện tích dừa của Thái Lan đạt 325.000 ha nhưng năm 2011, diện tích dừa của Thái Lan chỉ còn khoảng 247.000 ha (theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương) với sản lượng trái đạt 1,186 tỷ trái tương đương 356 ngàn tấn cơm dừa. Công việc sưu tập và bảo tồn giống dừa Thái Lan được thực hiện từ năm 1965 tại Trung tâm Nghiên cứu Cây Ăn Quả Chumphon. Hiện nay, có 21 giống (10 giống dừa lùn và 11 giống dừa cao).
Nhóm dừa cao địa phương được trồng dọc theo bờ biển Thái Lan và phân ra làm 2 quần thể là Pak Chok (PKC) và Thalai Roi (TLR), có hình dạng trái trung bình, vỏ xơ dày, cơm dừa mỏng. Quần thể dừa cao giống Toddy, có hàm lượng đường cao dùng để chế biến làm thức uống đông cô, rượu. Bên cạnh, quần thể dừa lùn có nhu cầu rất lớn để phục vụ cho du lịch và giải khát như: Nam Hom (Dừa thơm), Thung Khled và Nok Koom.
Từ các giống dừa địa phương đã được lai tạo ra 3 tổ hợp lai mới: Chumphon Hybrid 60 (THT x WAT), Chumphon Hybrid No 2 (MYD x THT), Sawi Hybrid No 1 (MYD x WAT). Kết quả khảo nghiệm các giống dừa lai so sánh với giống dừa cao địa phương (THT) cho thấy: Giống lai PB121 có năng suất cao nhất, kế đến là Chumphon Hybrid 60, giống Chumphon Hybrid No 2 có năng suất tương đương với giống PB 121.
► Việt Nam
Cây dừa là cây lấy dầu đa niên quan trọng nhất ở Việt Nam, là cây trồng truyền thống của miền Nam Việt nam. Theo thống kê của APCC thì năm 1991 Việt Nam có 350.000 ha dừa (Coconut statistical yearbook 1991) đạt sản lượng 1.200 triệu quả, đến năm 2012 diện tích dừa Việt Nam chỉ có 145.000 ha (theo FAO Statistics). Lý do của sự sụt giảm diện tích dừa trong những năm qua là vì năng suất thấp, giá bán thấp lại luôn bấp bênh nên hiệu quả kinh tế của cây dừa không bằng các cây ăn quả khác. Chưa kể là từ cuối năm 1999 dịch bọ dừa (Brontisspa longissima Gestro) xuất hiện và gây hại trên toàn bộ diện tích trồng dừa. Đến nay, trên thực tế diện tích dừa tăng hơn nhiều và Việt Nam hiện có khoảng 160.000 ha dừa
Quần thể dừa địa phương rất đa dạng về chủng loại, bao gồm các giống dừa dùng để ép dầu như Ta, Dâu, Lửa … (chiếm hơn 80 % cơ cấu giống) và một số giống lấy dầu khác như Giấy, Bung. Các giống dừa uống nước cũng rất đa dạng, trong đó giống dừa Xiêm xanh, Tam Quan, Ẻo, đặc biệt là dừa Dứa rất được thị trường ưa chuộng.
Viện Nghiêm cứu Dầu và Cây có Dầu đã lai tạo trên 20 giống dừa lai. Các giống dừa lai PB121, JVA1 và JVA2 có các đặc điểm vượt trội hơn so với giống dừa địa phương. Thời gian ra hoa sớm hơn, chỉ sau 3 năm trồng, năng suất cao (>=150 quả/cây/năm), hàm lượng dầu cao (63-68%), phù hợp với công nghiệp chế biến. Các giống dừa này đã được Nhà nước công nhận tạm thời và cho phép sản xuất thử vào năm 2004.
Bên cạnh công tác lai tạo giống dừa mới, việc tuyển chọn cây đầu dòng cũng được thực hiện thường xuyên. Viện đã tuyển chọn hơn 27.000 cây dừa mẹ đạt tiêu chuẩn, tại các tỉnh có diện tích dừa tập trung từ vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như: Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh,... Trong đó, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre với khoảng 9.000 cây, năng suất đạt > 90 quả/cây/năm đối với giống dừa cao và đạt >100 quả/cây/năm đối với giống dừa lùn. Đây là nguồn cung cấp giống dừa tốt cho các địa phương, nhằm thay thế dần các giống dừa lão năng suất thấp.
Ngoài các giống dừa địa phương như Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo..., Viện phối hợp cơ quan chức năng thông qua dự án DA15 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và dự án “Phát triển giống dừa giai đoạn 2001 – 2005” của Bộ Công Thương, nhập nội trên 12.000 cây dừa Dứa trồng thử nghiệm tại các Trung tâm của Viện và 13 tỉnh trong cả nước. Bến Tre trồng thử nghiệm nhiều nhất (17,5 ha tương đương 2.800 cây), tập trung tại huyện Giồng Trôm và Châu Thành. Hàm lượng glucid có trong nước dừa Dứa là 7,56 g/ 100 ml. Ngoài ra, năng lượng do nước và cơm dừa Dứa cung cấp cho cơ thể 131,022 joule/ 100ml (tương đương 31,3 Kcalo).
Sau quá trình nghiên cứu chọn tạo giống dừa, cho đến nay đã có 5 giống dừa được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho công nhận giống chính thức (bao gồm dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Ẻo và dừa Dứa và 7 giống dừa được công nhận tạm thời (đó là Dừa Bung, Dừa Tam Quan, dừa Sáp, Dừa lai PB121, Dừa lai JVA1 và dừa lai JVA2). Từ những kết quả nêu trên, ngày 27/7/2011, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư số 51/2011/TT-BNNPTNT đã bổ sung cây dừa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
* Bến Tre
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước với 63.000 ha (Cục Thống kê Bến Tre năm 2013). Trong đó, diện tích dừa cho trái chiếm 84% tương đương 53.507 ha, năng suất thu hoạch đạt 40.103 triệu trái/tháng. Bến Tre cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học các giống dừa. Các giống dừa chế biến công nghiệp như Ta, Dâu chiếm trên 85% cơ cấu giống dừa, năng suất từ 60-80 trái/cây/năm còn lại là các giống dừa lùn dùng để uống nước như Xiêm xanh, Xiêm lục, Ẻo, năng suất đạt từ 80-120 trái/cây/năm, riêng giống dừa Ẻo đạt 200-250 trái/cây/năm. Bên cạnh đó, còn có các giống có giá trị kinh tế cao như dừa Dứa, dừa Sáp (còn gọi là dừa Đặc ruột), giá gấp 5-10 lần giống dừa Ta, Dâu.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu đang sở hữu một tập đoàn gồm 51 giống dừa tại Trung tâm Dừa Đồng Gò - Bến Tre, trong đó có 12 giống nhập nội và 39 giống thu thập từ các vùng đất khác nhau trong nước. Công tác tư liệu hóa và đánh giá nguồn gen của tập đoàn dừa này đang tiếp tục được thực hiện. Đã có 41 mẫu giống dừa đã được đưa vào danh mục nguồn gen cây dừa quốc tế (CGRD) (Võ Văn Long, (2003). Đây là nguồn vật liệu khởi đầu vô cùng quan trọng cho công tác chọn tạo giống dừa mới.
Giống dừa Ta Bến Tre có khối lượng trái to nhất tương ứng với khối lượng cơm dừa nặng nhất (tỷ lệ cơm dừa/trái lột vỏ là 39%). Đặc biệt cả phần xơ dừa và gáo dừa cũng phù hợp cho công nghiệp chế biến. Dừa Dâu Bến Tre có các thành phần kém hơn so với dừa Ta nhưng lại có số trái/cây cao hơn (bình quân 60 trái so với 70 trái) nên cho năng suất cơm dừa tương đương hoặc cao hơn dừa Ta. Giống dừa Ta Bến Tre và dừa Dâu Bến Tre qua tuyển chọn có năng suất cao hơn giống dừa địa phương của Trung quốc (chỉ đạt 30 quả/cây/năm) và tương đương với năng suất quả của giống dừa cao Tagtanan (70 quả/cây/năm) nhưng thấp hơn giống Laguna và Baybay (80-100 quả/cây/năm) của Philippines và giống West Coast Tall, East Coast Tall (80 trái/cây/năm) của Ấn Độ. Tuy nhiên, giống dừa Ta Bến Tre có hàm lượng dầu (65-67%) cao hơn giống Laguna và Baybay (63%) của Philippines.  
Kết quả phân tích trái dừa lai PB121 trồng tại Bến Tre cho thấy có thành phần trái tương tự dừa Dâu nhưng lại có ưu điểm nổi bật là năng suất trái/cây rất cao, có thể đạt trên 150 trái, hàm lượng dầu > 65%, năng suất copra/ha > 4 tấn. Điều này cho thấy năng suất quả và hàm lượng dầu của giống dừa lai PB121 trồng tại Bến Tre cao hơn năng suất quả và hàm lượng dầu của giống dừa lai PB 121 (106 trái/cây/năm; 62%) trồng tại Philippines.  
Các giống dừa uống nước của Bến Tre như Xiêm xanh, Xiêm lục của Bến Tre có chất lượng nước rất ngọt (Brix = 7-9%), rất được thị trường ưa chuộng.
3. NHẬN XÉT
- Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4,2% diện tích dừa của Indonesia, 4,5% diện tích dừa của Philippines, 8,4% diện tích dừa của Ấn Độ, 40,5% diện tích dừa của Sri Lanka. Tuy nhiên, năng suất dừa bình quân của Việt Nam (dừa Ta Bến Tre) đạt 9.863 trái/ha/năm tương đương 1,9 tấn copra/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC, chỉ đạt 0,9 tấn copra/ha), Philippines, Indonesia (0,85 tấn), Ấn Độ (1,1 tấn).
- Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất trong cả nước, chiếm 40% diện tích dừa của nước Việt Nam. Bến Tre có đa dạng sinh học giống dừa bản địa với năng suất và chất lượng tốt như giống dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm. Năng suất bình quân của các giống dừa cao bản địa được tuyển chọn đạt > 60 quả/ cây/ năm, hàm lượng dầu đạt >65%. Các giống dừa uống nước của Bến Tre như Xiêm xanh, Xiêm lục của Bến Tre có chất lượng nước rất ngọt (Brix = 7-9%), rất được thị trường ưa chuộng.
CHÚ THÍCH:
*  Chỉ số giữa khối lượng cơm/khối lượng trái không nước.
Theo Hiệp Hội Dừa Bến Tre
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

Tổng bình luận [ 0 ]


Bình luận của bạn