Kết quả bước đầu thử nghiệm giống dừa Dứa nhập nội tại một số Tỉnh phía Nam

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Smiley face Lượt xem :1652

1.Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG
Cây dừa là nguồn cung cấp thực phẩm, nước giải khát, chất đốt, vật liệu xây dựng... cho hàng vạn hộ gia đình ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB), cung cấp nguyên liệu để chế biến nhiều loại hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu.


dừa dứa bến tre

Hiện nay các giống dừa dùng để uống nước như Xiêm, Tam quan, Ẻo, Dứa…. chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu giống dừa Việt Nam, đặc biệt là giống dừa Dứa được du nhập về trồng thử nghiệm tại Việt Nam trong vài năm vừa qua. Trong dự án Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2001–2005 đã giới thiệu và phát triển giống dừa Dứa (Aromatic) như một giống dừa có giá trị kinh tế cao dùng để uống nước, phục vụ sinh thái và xuất khẩu.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển sản xuất dừa trong thời gian tới và những  bức xúc của người trồng dừa, Bộ môn Cây có Dầu dài ngày thuộc Viện Nghiên cứu Dầu Thực vật đã khảo nghiệm giống dừa Dứa ở một số tỉnh trồng dừa tập trung nhằm mục tiêu:  
- Đa dạng hóa cơ cấu giống dừa ở Việt Nam, để góp phần phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
- Đánh gía khả năng thích nghi của giống dừa Dứa nhập nội trên một số vùng đất phù sa ĐBSCL và DHNTB.

2. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:
2.1 Một số đặc điểm của giống dừa Dứa nhập nội
Dừa Dứa được gọi là giống dừa thơm vì nước dừa và cơm dừa có vị ngọt và mùi thơm đặc biệt. Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Thái Lan (Horicultural Research Institute, BangKok, 1999) giống dừa Dứa được gọi theo tên địa phương là “Nam Hom” xuất sứ từ tỉnh Nakhom Chaisi, phát triển tốt ở vùng đất phù sa. Mùi thơm của giống dừa này không những được xác định qua nước và cơm dừa mà chúng ta có thể xác định qua rễ non của cây và lá dừa. Tuy nhiên giống dừa Dứa nếu trồng ở những điều kiện sinh thái không thích hợp thì sẽ mất đi hương thơm của chúng.
Dừa Dứa thuộc giống dừa lùn, tự thụ tức là pha đực và pha cái của cùng một hoa tự, hoàn toàn trùng nhau và không gối đầu lên hoa tự kế tiếp. Đây cũng là một đặc tính giúp cho giống dừa Dứa giữ được mùi thơm đặc trưng của giống.
Thân của giống dừa này thường thấp, thân thẳng không phình to dưới gốc, dễ thu hoạch.
Trong điều kiện sinh thái phù hợp, sau khi trồng 2,5 – 3 năm giống dừa Dứa đã bắt đầu cho quả. Trong khi đó đối với giống dừa cao (Ta, Dâu sau khi trồng 5 năm mới cho quả), mỗi cây có thể cho 14 –16 quày/ năm (giống dừa cao chỉ cho 12-13 quày/ cây/ năm). Trong nước dừa có chứa nhiều thành phần vitamin thuộc nhóm B (Acid nicotinic, biotin, acid pantothenic..), acid amin (Arginine, Histidin, Tyrosin, serine…) là những chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể và cũng là môi trường nuôi cấy vi sinh rất tốt.
Theo số liệu điều tra, nước ta có khoảng 100 cây dừa Dứa trồng rãi rác ở một số hộ nông dân của tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Tuy nhiên việc nhân giống dừa Dứa trong nước còn rất hạn chế. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất dừa trong thời gian tới, dự án Phát triển sản xuất giống dừa giai đọan 2001–2005 đã nhập giống dừa Dứa trồng khảo nghiệm ở một số tỉnh trồng dừa tập trung ở ĐBSCL và DHNTB.
Giống dừa Dứa được nhập vào tháng 9 năm 2002 với tổng số cây là 14.820 và được chăm sóc tại trạm Thực nghiệm dừa Bình Thạnh, Trung Tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre, Trung tâm giống Trảng Bàng Tây Ninh. Đến tháng 12/2003, dự án đã chuyển giao 12.262 cây giống (tương đương 76 ha) cho 13 tỉnh, thành có trồng dừa trong cả nước từ Thanh Hoá trở vào. Tuỳ thuộc vào yêu cầu của mỗi địa phương mà quy mô của mô hình thử nghiệm có thể biến động từ 0,7 – 17,4 ha.  

2.2 Khả năng sinh trưởng của giống dừa Dứa nhập nội ở các điểm thử nghiệm
Cây dừa Dứa một năm tuổi, với cùng một chế độ chăm sóc, bón phân theo qui trình của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, nhận thấy:
-         Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các chỉ tiêu sinh trưởng: chu vi gốc, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét/bên, chiều dài lá chét, chiều rộng lá chét giữa các điểm thí nghiệm Bến Tre, Trà Vinh và Khánh Hòa.
-         Trên vùng đất phù sa, nhiễm mặn nhẹ ở xã Mỹ Cẩm, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cây dừa Dứa có các chỉ tiêu sinh trưởng: chu vi gốc (23,28cm), tổng số lá (6,4), Chiều dài lá thứ 1 (76,75cm), số lá chét/bên (27,90), chiều dài lá chét (40,38 cm), chiều rộng lá chét (2,94cm) cao hơn so với cây dừa Dứa trồng trên đất phù sa cổ vùng đất Đồng Gò, Bến Tre và đất cát ven biển Khánh Hòa.
Cây dừa Dứa 2 năm tuổi, với cùng một chế độ chăm sóc và bón phân, nhận thấy:
-         Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các chỉ tiêu sinh trưởng: chiều cao cây, chu vi gốc, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét 1 bên, chiều rộng lá chét giữa các điểm thí nghiệm ở Bến Tre, Tiền Giang và Tây Ninh.
-         Trên vùng đất phù sa ở huyện Châu Thành, Tiền Giang cây dừa Dứa có các chỉ tiêu sinh trưởng: chiều cao cây (222,13cm), chu vi gốc (54,53cm), tổng số lá (8,7), chiều dài lá thứ 1 (129,98cm), số lá chét 1 bên, cao hơn so với cây dừa Dứa trồng ở Bến Tre và Tây Ninh. 

2.3 Thành phần dinh dưỡng trong cơm dừa của một số giống
Qua điều tra khảo sát các cây dừa Dứa đang được trồng rãi rác ở Bến Tre và Tiền Giang từ trước khi có Dự án Phát triển sản xuất giống dừa, phân tích thành phần dinh dưỡng trong cơm dừa của giống dừa Dứa và một số giống dừa khác cho thấy các chỉ tiêu về năng lượng, khoáng, đạm trong cơm dừa Dứa rất cao so với một số nước giải khát tổng hợp khác. Thành phần năng lượng trong cơm dừa từ 133 – 243 Kcalo/100g, đạm từ 2,62 – 2,87 g/100 g, glucid từ 2,46 – 6,38g/100g. Thành phần dinh dưỡng  trong cơm dừa của giống dừa Dứa cao hơn so với giống dừa cao (dừa Ta). Điều này cũng phù hợp với mục tiêu chọn tạo giống dừa: sử dụng các giống dừa lùn dùng để giải khát. Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho người dân là vấn đề được Nhà nước quan tâm và quả dừa là một loại nước giải khát tinh khiết và bổ dưỡng so với các loại giải khát tổng hợp khác.

3. NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ
3.1 Nhận xét chung
- Đến cuối tháng 12 năm 2003, Dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2001 – 2005” đã phân bổ 12.262 cây dừa Dứa trồng ở 13 tỉnh, thành trong cả nước.
- Trên cùng một điều kiện sinh thái (thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn) và cùng một chế độ chăm sóc ở vùng đất phù sa chua cổ có đốm rỉ, cây dừa Xiêm có các chỉ tiêu sinh trưởng (chiều cao cây, chu vi gốc, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét 1 bên) cao hơn so với giống dừa Dứa địa phương và nhập nội.
- Cây dừa Dứa năm thứ 2 trồng trên đất phù sa ở huyện Châu Thành, Tiền Giang có các chỉ tiêu sinh trưởng về chu vi gốc, chiều cao cây, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét 1 bên cao hơn so với cây dừa Dứa trồng trên đất xám Tây Ninh và đất phù sa nhiễm mặn ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
3.2 Đề nghị 
-         Tiếp tục theo dõi sinh trưởng phát triển và năng suất cây dừa Dứa trên các vùng đất khác nhau để có kết luận cụ thể về khả năng thích ứng của chúng.
-         Theo dõi thêm một số điểm trồng dừa Dứa nhập ở các vùng sinh thái khác để đánh giá chính xác hơn về khả năng thích ứng của chúng.
-         Nghiên cứu chế độ bón phân và chăm sóc thích hợp cho cây dừa Dứa nhập phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương.
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

Tổng bình luận [ 0 ]


Bình luận của bạn