Nuôi heo công nghệ cao lãi tiền tỷ mỗi năm

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Smiley face Lượt xem :1652

Trang trại nuôi heo triệu đô của ông chủ người Việt có hệ thống cung cấp thức ăn, vệ sinh chuồng trại đều tự động. 

Trang trại nuôi heo đứng đầu khu vực

Theo tin tức trên báo Thanh Niên, ở biên giới Việt Nam - Campuchia xuất hiện một trang trại - resort đúng nghĩa, mà theo lời chủ nhân của nó thì mức hiện đại của trại đứng đầu khu vực Đông Nam Á.


Nuôi heo công nghệ cao lãi tiền tỷ mỗi năm


Hệ thống tự động trong trang trại heo Công ty Lộc Phát. (Ảnh: Q.T)

Chủ nhân trang trại trên là ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Lộc Phát. Theo ông Hiếu, chỉ riêng chi phí để mua cây xanh tạo cảnh quan cho trang trại đã hết gần 4 tỉ đồng.

Tại trang trại, các thiết bị đều được lập trình sẵn, khách vào phải vệ sinh, tắm đủ thời gian quy định thì cánh cửa tiếp theo mới mở ra. Qua 2 lần cửa thì đến phòng thay đồ. Đây là quy trình bắt buộc để đảm bảo trang trại hoàn toàn vô trùng và sạch bệnh.

Làm xong hết các thủ tục “tiệt trùng” mất hết gần 30 phút, PV mới bắt đầu chuyến tham quan trang trại bằng chiếc xe chạy điện.

Ông Hiếu cho biết, quy mô trại chăn nuôi lên đến 54 ha, với 2.400 heo nái, 10.000 heo hậu bị. Toàn bộ trại heo giống được vận hành tự động và khép kín. “Khi thời tiết nóng, bên trong trại tự động điều chỉnh nhiệt độ. Hệ thống cung cấp thức ăn cho heo, vệ sinh chuồng trại đều tự động. Liều lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng được máy móc trộn sẵn, định kỳ cung cấp cho đàn heo”.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết thêm: Ở đây, mọi thứ đều được vận hành tuần hoàn, không có khái niệm bỏ đi. Chất thải của heo được đưa vào hệ thống biogas để tạo gas cung cấp cho máy phát điện phục vụ lại cho trại (đáp ứng 30% nguồn điện của trại). Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng để tạo nguồn thu và tăng năng suất cho vườn cao su hơn 30%. Nhau thai từ heo được làm thức ăn cho 3.600 con cá sấu nuôi tại trại. Tại đây còn có nhiều ao nuôi cá với sản lượng lớn.

Ông Hiếu cho hay, ông đã qua Thái Lan để tìm hiểu mô hình trại của người Thái và nhận ra “trình độ của họ hơn mình, nhưng người Việt chưa làm chứ không phải là không làm được”. Với suy nghĩ đó, toàn bộ vốn liếng tích cóp được, thêm vốn vay từ ngân hàng, ông quyết tâm xây cho được mô hình trang trại này để chứng minh người Việt không hề thua kém. Tổng số vốn ông Hiếu đầu tư vào trại chăn nuôi này đã xấp xỉ 6 triệu USD.

“Mô hình trại heo giống này chỉ sau 4 năm rưỡi - 5 năm là thu hồi được vốn đầu tư (hiện đã hoạt động 4 năm)”, ông Hiếu tự tin và cho biết doanh nghiệp của ông hiện đóng thuế đứng thứ hai ở H.Lộc Ninh, đồng thời hé lộ “sẽ còn tiếp tục đầu tư để hoàn thiện trại heo này tốt hơn, hiện đại nhất không chỉ trong khu vực mà trên cả thế giới”.

Nuôi heo bằng máy tính kiếm tiền tỷ mỗi năm

Theo nguồn tin trên Vnexpress, là chủ trang trại nuôi heo lớn ở Biên Hòa, nhưng công việc chiếm nhiều thời gian của ông Nguyễn Trí Công lại là ngồi trước máy tính pha chế thức ăn.

Ông Nguyễn Trí Công (sinh năm 1963), phường Hố Nai I, thành phố Biên Hòa lập nghiệp bằng nghề nuôi heo từ năm 1985. Khi đó, nghề này chưa phát triển theo mô hình công nghiệp. Ông tự ý thức nếu làm thủ công sẽ rất vất vả mà hiệu quả không cao. Vì thế, ông Công không ngừng mày mò kỹ thuật nuôi heo trên sách báo.

Từ năm 1995, khi máy tính vẫn còn là một thứ xa xỉ, người nông dân này đã chủ động mày mò, tìm cách sử dụng, rồi theo học cả một lớp tập huấn về phần mềm chăn nuôi tại TP HCM. Về nhà, ông áp dụng ngay những gì được học, thấy ngay hiệu quả khi heo mau lớn, ít dịch bệnh, chất lượng nạc được nâng cao.

Từ đó đến nay, ông Công không ngần ngại chi hàng trăm triệu để mua hàng chục phần mềm từ nước ngoài để áp dụng vào chăn nuôi. Loại rẻ tiền cũng có giá vài nghìn đôla, phần mềm đắt có thể lên tới chục nghìn đôla.

Công việc chiếm nhiều thời gian hằng ngày của ông hiện tại không phải lăn lộn trong chuồng trại mà là ngồi máy tính. Mỗi ngày, ông dành 3-4 giờ để pha chế thức ăn trên máy. Chỉ cần một cú click chuột, ông Công biết được lý lịch từng con, ngày giờ sinh, số lần tiêm phòng, kế hoạch cai sữa, khi nào đẻ hoặc cần thụ tinh, xuất chuồng... Dữ liệu cập nhật hằng ngày nên chủ trang trại có thể tính toán, pha trộn khẩu phần thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của heo. Điều này cũng giúp ông tính toán chi phí, giá thành thức ăn một cách chính xác hơn để hạch toán lỗ, lãi khi xuất chuồng.

Có năm, trang trại của ông Công xuất chuồng khoảng 10.000-12.000 con heo và có doanh thu tới cả chục tỷ đồng.

Chàng trai 9X kiếm tiền tỷ từ nuôi lợn rừng Thái Lan

Năm 2013, tốt nghiệp đại học, Đỗ Mạnh Hùng, chàng trai sinh năm 1991 ở Thái Thụy, Thái Bình được nhận vào làm cho một công ty viễn thông lớn với mức lương cao. Tuy nhiên, với suy nghĩ dù lương có cao cũng vẫn là đi làm thuê, Hùng trăn trở nhiều đêm tìm hướng đi để có thể làm chủ một sản nghiệp của chính mình. Hướng đi mở ra khi anh đọc được về những mô hình trang trại hiện đại trên internet. Những ngày cuối tuần, Hùng lặn lội đi tìm hiểu thực tế các mô hình trang trại chăn nuôi ở Cần Thơ, Long An, Bến Tre…

Về quê với 100 triệu đồng tiết kiệm trong 3 năm làm việc ở công ty viễn thông, Hùng vay thêm tiền, thuê đất của người dân quanh vùng để làm trang trại. Ban đầu chưa có kinh nghiệm và không biết nuôi con gì, Hùng thả gà, vịt, ngan nhưng đều thất bại.

Khủng hoảng nhất là khoảng thời gian tháng 9/2013, khi cơn bão khủng khiếp đi qua đã thổi bay toàn bộ nóc nhà, trang trại. Tỉnh dậy sau một đêm thấy cơ ngơi trống trơn đổ nát, vật nuôi chết gần hết, Hùng mất trắng 300 triệu đồng. Chán nản, mệt mỏi nhưng không bỏ cuộc, Hùng nghĩ mình đã đầu tư nhiều tiền và công sức như vậy rồi, kể cả thất bại nhưng vẫn phải rút kinh nghiệm để làm lại từ đầu.

Sau sự cố ấy, Hùng lại một mình một xe máy lên đường đến các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, cách ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Cuối cùng, Hùng đầu tư 400 triệu đồng để mua 54 con lợn rừng nhập từ Thái Lan.

Mạnh dạn đầu tư vào vật nuôi lạ, Hùng trở thành người đầu tiên trong tỉnh theo đuổi mô hình này. Chàng trai trẻ ấy còn là người “tiếp lửa”, hướng dẫn và truyền kinh nghiệm cho rất nhiều người ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… tìm đến học hỏi thực tế. Đến nay, trang trại đã được mở rộng tới 3 héc ta, trung bình mỗi tháng xuất bán 40-50 con lợn, đem về thu nhập hơn 100 triệu đồng, theo An Ninh Thủ Đô đưa tin.

Theo đời sống pháp luật
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

Tổng bình luận [ 0 ]


Bình luận của bạn