Dừa Sáp là gì?

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Smiley face Lượt xem :1652

Dừa Sáp theo tiếng Tagalog của Philippines là “Makapuno”. “Maka” có nghĩa là “hầu như” và “puno” có nghĩa là “đầy”, do đó “Makapuno” có nghĩa là “hầu như đầy”, chỉ hiện tượng có rất ít nước hoặc hầu như không có nước của giống dừa này. Giống dừa đặc ruột này được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Laguna và Tayabas (Quezon - Philippines ngày nay) và cũng được đề cập trên tạp chí khoa học lần đầu tiên vào năm 1914. Đến năm 1937 những nghiên cứu về dừa sáp đã cho kết quả ban đầu về di truyền tính trạng cơm dừa đặc ruột của dừa Sáp. Người ta quan tâm đến giống dừa đặc ruột chủ yếu là vì tầm quan trọng kinh tế của nó và vì nó có 3 đặc điểm thu hút các nhà nghiên cứu dừa đó là: (1) Cơm dừa mềm, sốp, nước dừa sền sệt như keo; (2) Cây dừa mang quả dừa đặc ruột có ngoại hình như cây dừa bình thường; (3) Trái dừa đặc ruột không có khả năng nảy mầm và đặc điểm đặc ruột của cơm dừa sáp được kiểm soát bởi một gen đơn lặn.
Một số đặc điểm cơ bản về hình thái học của dừa Sáp
Cây dừa sáp có trái đặc ruột trông giống với cây dừa bình thường về tất cả các phần, từ lá, thân, hình dáng, màu sắc và kích thước trái. Tuy nhiên, ở tuổi cho trái, chúng có thể được phân biệt bằng cách kiểm tra trái dừa. Chắc chắn những cây dừa sáp sẽ cho trái dừa đặc ruột ở một tỷ lệ nào đó. Trái dừa đặc ruột được phân biệt với trái dừa bình thường bằng cách lắc hoặc bổ đôi những trái dừa khô (từ 10 tháng tuổi trở lên). Nếu đặc ruột, khi lắc những trái dừa này không nghe được tiếng óc ách bên trong do phần nước dừa trở nên sền sệt.
Adriano và Manahan (1931) phân loại dừa đặc ruột theo 3 kiểu phổ biến. Kiểu đầu tiên (kiểu A), phần nước chỉ hơi sền sệt, phần cơm dừa giống như cơm nhão và có độ dày cơm dừa giống trái dừa bình thường. Kiểu 2 (kiểu B), phần nước sệt hơn, trắng đục, phần cơm dừa dày hơn cơm dừa bình thường, lớp cơm dừa gần gáo dừa trông giống như cơm nhão, lớp kế mềm hơn và bông lên vào bên trong. Trong khi ở kiểu 3 (kiểu C), nước dừa hầu như không còn mà được thay thế bởi phần cơm dừa rất nhão và béo. Giống như hai kiểu kia, lớp cơm dừa cận gáo dừa của trái dừa đặc ruột kiểu 3 giống cơm nhão, lớp bên trong sốp, mềm hầu như chiếm đầy không gian bên trong trái.
Một số đặc điểm cơ bản của cơm dừa đặc ruột trên cây dừa sáp
Thành phần cơm dừa sáp tương tự như cơm dừa của trái dừa bình thường, bao gồm 60% nước, 53% chất béo, 7,5% chất đạm, và 25% chất hữu cơ, 5% chất xơ thô và 2,5% tro (ngoại trừ ẩm độ, các thông số được tính toán dựa trên trọng lượng khô). Cơm dừa đặc của trái dừa sáp có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái. Đường tổng số không giảm và đường hòa tan của hai loại trái cũng khác biệt có ý nghĩa ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái. Những sự khác biệt này là đặc điểm chỉ thị quá trình trao đổi chất khác thường của dừa sáp.
Đặc tính tế bào học của cơm dừa đặc tương tự như các khối u bướu của thực vật và động vật (Abraham et al, 1965; dela Cruz và Ramirez, 1968). Quá trình này là do một kiểu thay đổi tế bào có khả năng di truyền có liên quan đến cơ chế điều tiết. Ngoại trừ dừa sáp, chưa có trường hợp nào được ghi nhận xuất hiện khối u di truyền trong thực vật. Số liệu từ kết quả phân tích thành phần hóa học của cơm dừa đặc chỉ ra hệ thống trao đổi chất rất khác biệt so với cơm dừa bình thường. Có hai kiểu chu kỳ tổng hợp sinh học hoạt động liên tục trong các tế bào khối u: (1) chu kỳ thứ nhất liên quan đến các chất điều hòa tăng trưởng, những chất này thiết lập nên các quy trình trao đổi chất trong sự phân chia và tăng trưởng của tế bào; (2) chu kỳ thứ hai liên quan đến những sản phẩm cần thiết cho điều kiện phát triển khối u (Braun, 1981).
Del Rosario và de Guzman (1981) tìm thấy hoạt động kích thích tăng trưởng cao hơn và các chất kích thích tăng trưởng giống như cytokinin nhiều hơn trong cơm dừa đặc so với cơm dừa bình thường.
Hai loại kích thích tố α-D-galactosidase và –mannosidase trong trái dừa đặc ruột có thể gây ra việc không thể tổng hợp hoặc tổng hợp được rất ít chất kích thích tố galactomannan dẫn đến sự thiếu dinh dưỡng và năng lượng cho phôi. Vì vậy đó có thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng không thể nảy mầm của phôi dừa đặc ruột.
Đặc điểm di truyền của cơm dừa đặc ruột trên cây dừa sáp
Bằng phương pháp thụ phấn nhân tạo trên cùng cây và thụ phấn chéo giữa hai cây dừa sáp với nhau đều ghi nhận kết quả như sau: tỷ lệ giữa trái bình thường/trái đặc ruột là 3:1 cho phép kết luận cơm dừa đặc của trái dừa sáp được kiểm soát bởi một gen lặn. Khi thụ phấn chéo qua lại giữa cây dừa sáp và cây bình thường cho kết quả tất cả trái đều bình thường. Kết quả này khẳng định một cách chắc chắn cơm dừa của trái dừa sáp không đặc ruột được quy định bởi gen trội. Vì vậy những trái dừa thu được từ những cây dừa sáp tự thụ phấn sẽ có 3 kiểu gen: (1) MM: trái dừa sáp với cơm dừa bình thường (MMM); (2) Mm: trái dừa sáp có kiểu hình của cơm dừa bình thường (MMm và Mmm) và (3) cây dừa sáp được trồng sẽ mang trái đặc ruột và sẽ không thể nảy mầm là mang gen lặn mm (mmm).
Các phương pháp nhân giống dừa sáp và cải thiện tỷ lệ trái đặc ruột trên cây dừa sáp
Trong thực tế, dừa sáp được nhân giống bằng cách trồng những trái dừa bình thường thu được từ cây dừa sáp hoặc nuôi cấy phôi của trái dừa đặc ruột trong phòng thí nghiệm. Từ năm 1996 Philippines bắt đầu thực hiện chương trình thương mại và phát triển kỹ thuật toàn diện về nuôi cấy phôi dừa sáp. Chương trình này nhằm nhân giống dừa sáp cấy phôi quy mô lớn nhằm sản xuất số lượng lớn cây giống dừa sáp cho sản xuất.
Bằng mắt thường cũng không thể phân biệt được cây dừa sáp cấy phôi với cây dừa thường hoặc cây dừa sáp được nhân giống từ trái. Về điểm này, cây dừa sáp cấy phôi có khả năng cho 100% trái dừa đặc ruột. Ngược lại những cây dừa sáp được nhân giống từ trái chỉ có khả năng mang rất ít trái dừa đặc ruột trên buồng.
Dừa sáp ở Việt Nam
Ở Việt Nam, dừa sáp được tìm thấy chủ yếu ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, với diện tích gần 200 ha, trong đó có khoảng 50 ha dừa đang cho trái. Giá trái dừa sáp đặc ruột biến động theo mùa, vào những dịp lễ hội giá trái dừa sáp đặc ruột lên đến 200.000 – 250.000 đồng. Hiện tại, giá dao động từ 140.000 - 170.000 đồng. 
Kết quả khảo sát và đánh giá các đặc điểm hình thái của dừa sáp ở Việt Nam cho thấy dừa sáp của Việt Nam có thể phân thành 3 nhóm dựa vào các chỉ tiêu số lượng của thân, lá, hoa, trái và các chỉ tiêu chất lượng của cơm dừa để mô tả và phân loại như sau:
  • Trái dừa còn tươi có 2 màu: màu xanh lá cây và màu vàng nâu
  • Có 3 dạng trái
  • Có 3 cỡ trái
  • Có 2 kiểu thụ phấn
  • Có 2 kiểu cơm dừa đặc ruột
Bảng 1. Phân nhóm dừa Sáp Việt Nam
Đặc điểm mô tả
Nhóm I
Nhóm II
Nhóm III
Kích thước trái
Nhỏ
To
Trung bình đến to
Hình dạng trái
Tròn
Từ thon dài đến hình quả lê
Tròn
Màu sắc vỏ trái còn tươi
Xanh
Xanh
Vàng nâu
Kiểu đặc ruột của cơm dừa(*)
B
A
A
Ghi chú:
Kiểu A: cơm dừa mềm như cơm nhão, nước dừa có độ nhớt nhẹ, độ dày cơm dừa chỉ dày hơn cơm dừa bình thường một chút.
Kiểu B: nước dừa sền sệt, có màu trắng trong, cơm dừa sốp, mềm, dày hơn gấp đôi cơm dừa thường, lớp cơm dừa gần gáo dừa mềm như cơm nhão, lớp cơm dừa bên trong sốp và bong lên không đều.
 Bảng 2. Đặc điểm sinh học của hoa dừa Sáp
Đặc điểm
Dừa Sáp nhóm
I
Dừa Sáp nhóm
II
Dừa Sáp nhóm III
Trung bình số hoa cái/ bông mo
21,8
15,3
13,1
Pha đực (ngày)
16,1
13,5
14,9
Pha cái (ngày)
4,1
4,6
4,1
Số ngày pha cái của bông mo thứ nhất (n) trùng với pha đực của bông mo số 2 (n+1)
3,5
-1,8
2,0
Do đặc điểm di truyền của dừa sáp và đặc điểm sinh học của hoa tự, để gia tăng tỷ lệ trái đặc ruột trên cây dừa sáp có thể thực hiện các giải pháp sau:
  1. Cải thiện và tăng cường điều kiện dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân cân đối. Phân bón có thể cải tiến sự ra hoa, tăng số lượng phát hoa trên cây nhằm tăng khả năng trùng pha giữa pha đực và pha cái của các hoa tự khác nhau trên cùng cây, điều đó giúp làm tăng khả năng tự thụ phấn của cây.
  2. Đốn bỏ các cây dừa bình thường trong vườn dừa sáp nhằm tăng khả năng nhận phấn từ cây dừa sáp để tạo ra trái đặc ruột.
  3. Trồng cây dừa sáp cấy phôi trong điều kiện có kiểm soát để thu tối đa tỷ lệ trái đặc ruột.
Th.S Nguyễn Thị Lệ Thủy
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Theo festivaldua.bentre.gov.vn
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

Tổng bình luận [ 0 ]


Bình luận của bạn