Gặp gỡ những nông dân được tôn vinh “Người trồng dừa”

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Smiley face Lượt xem :1652

Lễ tôn vinh “Người trồng dừa” nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ IV năm 2015. Mục đích nhằm quảng bá nét văn hóa bình dị nhưng độc đáo, tính cần cù, sáng tạo của nông dân xứ Dừa trong kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dừa qua bao đời nay. Theo ông Bùi Quang Tạo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, sẽ có 15 nông dân được tôn vinh tại lễ hội lần này.


dừa xiêm

Ông Nguyễn Văn Dũng (trái) trao đổi với cán bộ khuyến nông về kinh nghiệm để dừa tăng năng suất. Ảnh: H. Vũ

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp Thới Trị, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm. Ông Dũng xuất ngũ năm 1984 về sống với cha mẹ, canh tác 9 công đất từ vườn tạp chuyển sang trồng mía, rồi trồng cây có múi nhưng không thành công. Hơn 10 năm qua, ông tập trung trồng dừa xiêm xanh truyền thống (xiêm rặt), trong đó trồng chuyên canh 100 cây dừa xiêm xanh trên diện tích 4 công. 100 cây dừa xiêm này cho trái khá ổn định. “Trước năm 2010, tôi bán dừa tươi để giải khát, từ năm 2010 đến nay chủ yếu để khô bán dừa giống; mỗi năm tôi bán khoảng 10 ngàn trái dừa để giống, còn lại bán khoảng 5.000 trái tươi để giải khát, sau khi trừ chi phí (khoảng 12 triệu đồng), còn lãi khoảng 63 triệu đồng/năm. Dừa uống nước ở đây giá bán luôn cao hơn các chỗ khác. Hiện giờ vào mùa nắng, thương lái đến tận vườn dừa của tôi mua với giá 78 ngàn đồng/chục”.

Trước năm 2010, vườn dừa xiêm của ông Dũng có năng suất không cao, sau đó ông tập trung chuyển đổi khâu chăm sóc bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là việc bón phân, tưới nước. Về kỹ thuật tăng năng suất vườn dừa, ông Dũng cho biết: “Tôi áp dụng câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” vào trồng dừa. Mùa nắng, mỗi tháng, tôi tưới nước 7 - 9 lần; thường sử dụng phân NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15. Đầu và cuối mùa mưa, tôi rải thêm phân DAP. Dừa cỡ lớn (có đường gốc khoảng 3 tấc), tôi rải 4kg phân/gốc/năm, trong đó chia ra 8 lần/gốc; không đào rãnh xung quanh gốc để bón phân vì lúc đào, dừa bị đứt rễ, chỉ rải lan cách gốc khoảng 1m trở ra, sau đó tưới nước vừa phải trong 3 ngày liên tiếp để phân thấm vào đất. Dừa xiêm trồng tốt nhất là cây cách cây 6m. Với cách chăm sóc như thế, năng suất dừa xiêm của tôi tăng dần từ 12 trái/buồng lên 22 trái/buồng”. 

Còn ông Võ Duy Kha ở ấp 4, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre thì có kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh để dừa ra trái sai và ổn định. “Tôi trồng 100 cây dừa ta trên diện tích 5 công được 15 năm tuổi, đang cho trái khá ổn định. Những năm gần đây, bọ cánh cứng hoành hành rất dữ, nhất có thêm bọ vòi voi, thế nhưng vườn dừa của tôi vẫn cho trái sai và ổn định. Đó là do tôi sử dụng một số chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học: Metarhizium, Beauveria, Trichoderma,  Momosertatin, Ditacin, Ketomium… Đây là những loại thuốc trừ sâu không gây hại cho thiên địch. Bên cạnh đó, tôi nuôi nhiều kiến vàng trên cây dừa. Kiến vàng góp phần loại trừ bọ cánh cứng, làm cho dừa xanh tốt hơn”, ông Kha nói về kinh nghiệm sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để dừa sai trái. Nhờ nắm vững kỹ thuật bón phân, thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học nên hàng tháng 100 cây dừa ta của ông Kha cho thu hoạch khoảng 800 trái, thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/tháng.

Chia tay ông Kha, chúng tôi tìm đến hộ bà Đặng Thị Bé ở ấp Hưng Phú, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm. Bà Bé có thành tích trồng xen cam, quýt trong vườn dừa để nâng cao thu nhập. “Gia đình tôi có 1,2ha dừa ta chuyên canh trồng từ năm 1960 đến nay. Những cây dừa cho ít trái, tôi mạnh dạn đốn bỏ để thay giống dừa khô có năng suất cao. Bên cạnh đó, tôi trồng xen cam, quýt vào vườn dừa, đồng thời tận dụng mặt nước trong vườn dừa để nuôi tôm càng xanh. Mỗi năm, tôi còn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha”, bà Bé chia sẻ. Không chỉ áp dụng thành công cho gia đình, bà Bé còn nhân rộng mô hình này cho 4 hộ liền kề, kết quả khá thành công.

Để được tôn vinh “Người trồng dừa”, theo ông Bùi Quang Tạo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hộ trồng dừa phải đạt 5 yêu cầu: hiệu quả kinh tế của vườn dừa đạt từ 70 triệu đồng/ha/năm; kỹ thuật chăm sóc áp dụng đúng theo quy trình khuyến nông hướng dẫn, đảm bảo về môi trường; hộ trồng dừa có diện tích từ 3 công trở lên; trồng chuyên canh hoặc trồng xen, nuôi xen hợp lý trong vườn dừa; có đóng góp tích cực cho cộng đồng từ các phong trào ở địa phương.
Theo baodongkhoi.com.vn
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

Tổng bình luận [ 0 ]


Bình luận của bạn