Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn
9/10 10 bình chọn

Làng nghề dệt chiếu

16:51 |
Qua cầu Rạch Miễu theo QL60, đến vòng xoay ngã tư Tân Thành rẽ phải theo đường tỉnh 884 du khách đi khoảng hơn 9km, hay từ TP. Bến Tre đi đường bộ 12km sẽ đến làng nghề dệt chiếu An Hiệp ở ấp Thuận Điền – xã An Hiệp – Châu Thành. Hay du khách có thể đến làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh nằm ở vùng ven thành phố Bến Tre. Ngay ngã tư Tân Thành du khách theo đường tránh QL60 qua cầu Bến Tre 2, qua xã Mỹ Thạnh An là sẽ đến địa phận xã Nhơn Thạnh. Ở huyện Mỏ Cày Nam cũng có làng nghề dệt chiếu bằng cây cói rất nổi tiếng ở xã Thành Thới B, du khách cứ theo QL60 qua Cầu Hàm Luông đi tiếp khoảng trên 25km theo hướng đi Trà Vinh là đến nơi.

nghe det chieu

Đối với Bến Tre, nghề dệt chiếu cũng xuất hiện khá sớm, diễn ra quanh năm tại nhiều làng trong xã và thường bắt đầu từ tháng giêng đến hết tháng chạp âm lịch. Tuy vậy, hoạt động sản xuất chiếu thường nhộn nhịp vào những tháng cuối năm, bởi thời gian này, người dân trong tỉnh và những tỉnh thành lân cận thường mua những chiếc chiếu mới, có hoa văn trang trí đẹp về sử dụng trong gia đình, chùa chiền, đền miếu,… Đối với nghề dệt chiếu, phụ nữ được xem là những người thợ chính, bởi họ có sự nhẫn nại và đôi bàn tay mềm mại, tài hoa, nên họ có thể dệt những chiếc chiếu đẹp, bền chắc trong thời gian nhanh nhất. Lát là nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu. Do điều kiện khí hậu nên lát được trồng nhiều ở các địa phương trong tỉnh như xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre; An Hiệp, Châu Thành; riêng xã Thành Thới B, Mỏ Cày Nam thì nguyên liệu lấy từ cây cói. Những năm trước đây, người dân làng nghề dệt chiếu sử dụng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng chiếu ngày càng nhiều nên phải mua lát từ các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp về để sản xuất. Sản phẩm của nghề dệt chiếu được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc vào Nam. Người thợ dệt chiếu có thể bán trực tiếp cho người dân trên địa bàn hoặc bán cho những người gánh chiếu bán dạo ở các địa bàn lân cận. Ngoài ra, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu còn được xuất khẩu ra nước ngoài. 

Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh và Khánh Thạnh Tân

16:49 |
Từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Hàm Luông theo QL60 đến thị trấn Mỏ Cày Nam, đi khoảng 3km du khách rẽ phải sẽ đến làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh, Mỏ Cày Nam. Làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày Bắc cũng cách đó khoảng 10km.

chi xo dua

Đây là làng nghề mới phát triển sau này và có vệ tinh nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vùng có trồng nhiều dừa. Nhưng chủ yếu vẫn là ở xã An Thạnh - Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân - Mỏ Cày Bắc. Cấu tạo tự nhiên địa giới hành chính 02 địa phương này nằm bên dòng sông Thơm, là điều kiện vô cùng thuận lợi để vận chuyển sản phẩm bằng đường thủy. Người dân Bến Tre vốn từ lâu đã biệt vận dụng, sáng tạo từ cây dừa vốn từ lâu đã quen thuộc với người dân Bến Tre. Dừa được biến hóa ra nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng. Nhưng đặc biệt, tại hai làng nghề này là sản xuất ra những sản phẩm từ xơ dừa se lại thành chỉ… Chỉ xơ dừa có nhiều loại khác nhau như chỉ nệm, chỉ xơ cứng, chỉ xơ xoắn, chỉ nệm tráng cao su, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trải sàn,… Hiện nay các sản phẩm này được xuất thường xuyên sang các nước Hàn Quốc, Ấn Độ…

Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong

16:44 |
Hưng Phong (còn gọi là Cồn Ốc), nằm cách biệt với đất liền, trên một cồn tự nổi. Hiện nay, để đến làng nghề này, du khách có thể đi bằng đường thủy lẫn đường bộ. Nếu đi đường thủy thì từ bến sông Bến Tre du khách sẽ xuôi theo dòng Hàm Luông mất khoảng hơn 45 phút; đường bộ thì từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Bến Tre 2 đi thẳng theo đường tỉnh 887, tới ngã 3 Phước Long đường ra Bến phà Hưng Phong, rẽ phải đi thẳng khoảng 6km qua phà sẽ đến xã Hưng Phong.

dan gio cong dua

Nghề đan giỏ cọng dừa ở đây được hình thành dù chỉ mới hơn 16 năm, nhưng có bước phát triển khá mạnh phần lớn là sản xuất theo hộ gia đình. Nhờ mẫu mã đa dạng nên ngày càng được thị trường ưa chuộng, đặc biệt vào dịp cuối năm do nhu cầu làm giỏ quà tặng, nên sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều. Các công đoạn làm giỏ cũng như tại làng nghề Phước Long.

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long

16:39 |
Việc phát triển làng nghề hiện nay không chỉ thể hiện ở lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác. Là nơi tập trung sản xuất các sản phẩm có bản sắc riêng. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương trên mọi miền tổ quốc và ra thế giới. Đặc biệt, phát triển làng nghề cũng là một trong những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng.

Đất Bến Tre hình thành trên ba dãy đất cù lao lớn (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa), được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan sông nước hữu tình, về cây xanh trái ngọt trong cả bốn mùa, về không khí trong lành, êm ả, về những món đặc sản của sông, của biển, của miệt vườn… Đặc biệt, vùng đất này rất phù hợp với phát triển cây dừa, vì thế mà xứ sở này có rừng dừa xanh bạt ngàn, bát ngát, mênh mông. Với đặc điểm trên, làng nghề ở đây cũng phát triển đa dạng và phong phú như: Sản xuất chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Hoạt động làng nghề ở đây tuy không nhiều như những địa phương khác, song nó phù hợp với sự khéo léo của người dân sở tại.

lang nghe tieu thu cong nghiep phuoc long

Từ thành phố Bến Tre du khách qua cầu Bến Tre 2, rẽ phải theo tỉnh lộ 887 đi khoảng 12km là đến làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Ra đời trong những năm gần đây, do biết vận dụng sáng tạo và sử dụng hợp lý giá trị mà cây dừa đem lại, nên làng nghề đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm phong phú như: sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, đan giỏ cọng dừa, sản xuất chỉ xơ dừa,… Du khách đến nơi đây sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một sản phẩm “giỏ cọng dừa” mà người thợ chỉ cần học đan 3 ngày và thực hiện 8 công đoạn như: ra nan, cột khung, đan, bính, quấn quay, nứt, hoàn thành phần đáy giỏ và cuối cùng là vô cây trữ vào kho chứa. Nghề đan giỏ cọng dừa ở Bến Tre đã xuất hiện trên 20 năm, ban đầu chỉ làm để phục vụ trong công việc hằng ngày nhưng dần dần đã phát triển thành làng nghề với quy mô lớn có giá trị xuất khẩu cao.

8 món tuyệt ngon của Bến Tre bạn không thể bỏ lỡ

12:26 |
Nếu ai đã một lần về thăm mảnh đất Bến Tre, thì sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mộc mạc, bình dị những vườn dừa trải dài, những vườn cây trái sum sê, người dân thì nhiệt tình, thân thiện và hiếu khách, đặc biệt là nhớ mãi mùi vị tuyệt vời trong từng món ăn đặc sản.

Cá bống kho nước dừa

Bến Tre là miền sông nước có rất nhiều cá bống dừa tự nhiên. Thịt cá bống dừa có thớ thịt mịn, dai, vị ngọt, ít xương, ít mỡ, không có mùi tanh hoặc mùi hôi cỏ, hôi bùn như nhiều loại cá khác. Cá bống dừa đem chà sạch vảy, kho bằng nước màu dừa. Khi cá vừa thấm gia vị, vắt nước cốt dừa cho săm sấp, để lửa riu riu. Nước cốt dừa sắc xuống, thấm vào cá thơm lựng. Sau khi nấu chín thì phần thịt và xương tách rời nhau dễ dàng nên khi ăn ít khi bị hóc xương.

ca bong kho dua


Đuông dừa

Đuông là một loại sâu trong thân cây dừa, thân tròn. Người ta có thể chế biến con đuông thành nhiều cách khác nhau, như: nướng, chiên, hấp lá chanh,… nhưng “đuông tắm mắm” lại được xem là món ăn phổ biến và ngon nhất vì theo người dân miền Tây, đuông được ăn khi còn sống sẽ giữ nguyên được hương vị béo, ngọt, thơm, thịt dai. Thực khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn mùi vị của món “đuông tắm mắm” này, nếu đủ can đảm ăn con đuông trong tình trạng mập mạp, trắng nõn nà, đang ngọ nguậy thân mình trong chén nước mắm ớt hấp dẫn.

duong dua

Bánh xèo ốc gạo

Bánh xèo ốc gạo là món ăn dân dã không chỉ du khách phương xa, mà ngay người dân những vùng xung quanh đến mùa là phải ghé qua chợ Lách để ăn. Mỗi mùa ốc chỉ từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là hết. Vị thơm béo của vỏ bánh đổ từ bột pha nước cốt dừa đã có thể đủ làm khách ngây ngất, nay lại thêm nhân gồm củ sắn xắt sợi, giá đỗ và ốc gạo dai bùi, ngọt ngon rải đều phía trong khiến bánh xèo ốc gạo không ngấy mà lại còn rất lạ vị, hoàn toàn thuyết phục những người sành ăn nhất.

banh xeo oc gao

Cua đồng kho dừa sả

Cua đồng sinh sống khá nhiều trên các đồng ruộng Bến Tre. Sau khi rửa sạch bùn đất, bỏ mai thì đem giã nhuyễn, lọc lấy tinh chất, bỏ phần xác. Phần tinh chất này đun cùng nước cốt dừa tới khi thấy nổi váng đông thì hớt bỏ. Sau đó thêm sả, vài lát ớt, nêm nếm gia vị cho đậm đà rồi kho trong lửa nhỏ. Món này có mùi thơm của sả quyện cùng vị béo nước dừa, ngọt thanh trong từng miếng cua. Bạn nên ăn cùng cơm nóng để cảm nhận rõ nhất hương vị.

Chuột dừa

Chuột dừa có hình dạng giống như chuột đồng, nhưng có bộ răng sắc nhọn hơn, chuyên phá hoại cây dừa. Chúng ăn, hút chất ngọt từ tất cả các trái dừa tươi, khô. Thịt chuột dừa được chuộng hơn chuột đồng, bởi thơm như thịt gà, lại phảng phất độ béo, độ thơm sạch của nước dừa. Chuột được chế biến thành nhiều món: nướng, hấp, nấu cà ri. Thịt chuột dừa trắng phau và có một mùi thơm đặc biệt, nếu bạn được một lần ghé thăm mảnh đất Bến Tre thì đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo, mang đậm hương vị đặc trưng của xứ dừa này nhé.

chuot dua

Ốc xào nước cốt dừa

Ốc xào nước cốt dừa có thể dùng ốc len, ốc bươu , ốc hút,… có hương vị rất độc đáo.Vị béo của dừa kết hợp với vị thanh ngọt của ốc làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn. Để chế biến món này, khâu ướp gia vị cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo có đủ các loại gia vị như: ớt, sả, tỏi, muối, đường, nước mắm để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn. Ăn xong con ốc phải thưởng thức qua nước sốt trong đĩa, vị vừa béo, vừa ngọt, vừa thơm, vừa chua cay, đậm đà, tạo thành một thứ hương vị không lẫn vào đâu được.

oc len xao dua

Bánh tráng Mỹ Lồng

Mỹ Lồng, Bến Tre trứ danh nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, vừa đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng. Bánh tráng nướng trên bếp than cho vừa chín hai mặt, dậy mùi của dừa quyện với bột, lấy ra ăn nóng là ngon nhất. Giòn giòn như bất cứ loại bánh tráng nào nhưng dừa đem lại cho nó vị thơm ngọt không bánh tráng ở đâu sánh bằng.

banh trang my long

Bánh phồng Sơn Đốc

Bánh phồng là niềm tự hào của người dân Sơn Đốc, Bến Tre. Mùi hương gạo nếp, hương dừa phảng phất trong từng chiếc bánh phồng nhỏ nhắn luôn khiến những người xa quê nhớ hoài. Bánh phồng ở đây còn có tên gọi dân gian là bánh phồng chuồi. Miếng bánh nhỏ nhưng dày hơn nơi khác, khi nướng sẽ phồng to. Nướng bánh tráng lẫn bánh phồng ngon nhất là trên ngọn lửa rơm hoặc lửa than. Người Nam Bộ thường chẻ một đoạn sống lá dừa xòe ra như nan quạt để nướng bánh. Người nướng phải nhanh tay lăn trở để bánh nóng chín và giòn đều.

banh phong son doc


Theo yan.vn

Chèo xuồng khám phá Bến Tre

12:10 |
Đến Bến Tre, bạn có thể tha hồ lênh đênh trên xuồng, nếu chán thì tạt vào cù lao, hái trái cây, bắt cá, thưởng thức vọng cổ hay ngả lưng trên chiếc võng rợp bóng mát đánh một giấc ngon lành.

Chèo xuồng khám phá Bến Tre

Đến Bến Tre, bạn có thể tha hồ lênh đênh trên xuồng, nếu chán thì tạt vào cù lao, hái trái cây, bắt cá, thưởng thức vọng cổ hay ngả lưng trên chiếc võng rợp bóng mát đánh một giấc ngon lành.

cau rach mieu
Cầu Rạch Miễu biểu tượng mới của Bến Tre

Di chuyển

Có 4 hướng đến Bến Tre, một là từ Sài Gòn, hai là từ các tỉnh Nam bộ, ba là từ các tỉnh miền Trung và bốn là từ các tỉnh miền Bắc. Song để tiện lợi, hầu hết du khách miền Bắc và miền Trung đều chọn Sài Gòn làm điểm trung chuyển. Vì thế có thể chia làm hai hướng đến Bến Tre là từ các tỉnh miền Nam và Sài Gòn.

Phương tiện công cộng:

Tại Sài Gòn, bạn có thể mua vé đi Bến Tre ở bến xe miền Tây, giá vé dao động từ 50.000 – 100.000 đồng.

Song rất ít du khách chọn hình thức này mà thường chọn mua tour tham quan một ngày do các công ty du lịch cung cấp với giá dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/người (bao gồm tiền xe, tiền ăn, tham quan một số điểm).
keo dua
Tận mắt quy trình chế biến kẹo dừa

Phương tiện cá nhân:

Từ Sài Gòn đi Bến Tre có 3 hướng, một là từ vòng xoay Phú Lâm, hai là đại lộ Nguyễn Văn Linh và ba là cao tốc Trung Lương (mất khoảng 1 giờ).

Ưu điểm của việc di chuyển bằng xe máy là dễ di chuyển giữa các nơi và số tiền bỏ ra cho chuyến đi không nhiều, tầm 200.000 đồng/người.

Bến Tre có ít điểm tham quan, chỉ một ngày là có thể khám phá hết nên thông thường du khách sẽ chọn tour một ngày. Một số khác thích sinh hoạt chung với người dân (xin ngủ nhờ nhà dân). Du khách ở tỉnh xa kết hợp vài tỉnh lân cận trong 2-3 ngày.

Đến Bến Tre vào mùa nào

Mùa nào Bến Tre cũng đẹp, song nếu đi vào những tháng hè (tháng 6, 7, 8), bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh nhiều màu sắc cũng như thưởng thức hàng chục loại trái cây nổi tiếng như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm...

Có hai lễ hội lớn ở Bến Tre là hội đình Phú Lễ và Lễ hội nghinh Ông vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch.

ben tre
Cảnh sông nước đặc trưng ở Bến Tre

Khách sạn, nhà nghỉ

Rất ít du khách có ý định qua đêm ở Bến Tre. Dù vậy, nếu thích, bạn có thể ở tại các khách sạn, nhà nghỉ thuộc thành phố Bến Tre với mức giá từ 100.000 – 350.000 đồng.

Đặc sản của Bến Tre

Nhắc đến Bến Tre, du khách sẽ nghĩ ngay đến vị thơm, béo, đậm đà của kẹo dừa cùng hàng loạt các sản phẩm từ dừa khác như dầu dừa, xà phòng dừa, thủ công mỹ nghệ…Hay các món như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc cùng hàng loạt cây ăn trái như cam, quít, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, khóm, vú sữa, bưởi da xanh...

sau rieng cai mon
Sầu riêng Cái Mơn thơm ngon đặc sản nổi tiếng ở Bến Tre 

Các điểm tham quan

Điểm tham quan nổi bật của Bến Tre là 4 cồn Long, Lân, Quy, Phụng. Điều đó tạo nên sự khác biệt trong chuyến đi của bạn là đi bụi bằng đường tàu, xuồng trên kênh rạch thay vì đường bộ.

Trong khi thuyền lênh đênh trên nước, bạn có thể tùy ý chọn một cồn để vào tham quan (giá vé là 20.000 đồng/cồn/người).

Điểm chung của tất cả các cồn là những con đường đất uốn lượn, những vườn trái cây xum xuê trái, bạn có thể mua vé vào vườn ăn thỏa thích hay mua về làm quà. Ngoài thưởng thức trái cây, hình thức be mương bắt cá rồi chế biến thành món ngon cũng sẽ thu hút bạn.

Xét về kiến trúc, trong 4 cồn, nổi bật nhất là cồn Phụng với di tích Đạo Dừa rộng khoảng 1.500m². Nổi bật nhất trong cụm kiến trúc này là sân 9 con rồng; tháp Hòa bình và một cái đỉnh lớn.

Gợi ý cách thức tham quan 4 cồn như sau: Sau khi đến Mỹ Tho, thưởng thức bữa sáng với hủ tíu Mỹ Tho thì đến bến thuê tàu. Từ giá vé và số người mà bạn thỏa thuận giá cả với chủ tàu. Nên tham quan một vòng 4 cồn trước rồi từ từ quyết định tập trung tại một cồn để ăn uống, thư giãn.

Có thể mang theo thức ăn, nước uống hay thuê các cơ sở kinh doanh tại đây nấu bữa trưa. Giá tham khảo khoảng 50.000 – 70.000 đồng/phần ăn.

Nên kết hợp đi tàu lớn trên sông lẫn bè nhỏ trong cách con kênh nhỏ để cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng đất này.

Bên cạnh tham quan các cồn trên, bạn có thể tắm biển tại cồn Tiên thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành hay bãi biển Thừa Đức thuộc Bình Đại. Cả hai bãi biển đều là nước đục song bạn sẽ được trải nghiệm cái thú của việc tắm trong hương trái cây ngào ngạt.

Sau khi thỏa thích đùa nghịch với nước, bạn có thể đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, ngắm gần 500.000 con cò, vạc cùng với rừng chà là, thảm thực vật tại sân chim Vàm Hồ. Hay nếu chưa thỏa mãn với vườn trái cây ở các cồn, bạn có thể ghé thủ phủ trái cây của Bến Tre - vườn trái cây Cái Mơn.

Ngoài ra, tại Bến Tre cũng có nhiều di tích Phật giáo (chùa Hội Tôn, chùa Tuyên Linh, chùa Viên Minh) và mộ của các nhân vật nổi tiếng (Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và nữ tướng Nguyễn Thị Định) để bạn tham quan, tìm hiểu.

Nên mang gì khi đi Bến Tre?

Có thể diện bất kỳ loại trang phục nào khi đến Bến Tre.

Các vật dụng, kem chống nắng, chống muỗi.

Nếu thích hay muốn tiết kiệm, có thể mang theo đồ ăn, nước uống.

Một số cung đường thường gặp:

Sài Gòn – Long An – Vĩnh Long – Bến Tre

Sài Gòn – Vĩnh Long – Bến Tre

Sài Gòn – Bến Tre – Cần Thơ

Vũng Tàu - Sài Gòn - Long An - Bến Tre.

Theo Infornet