Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn
9/10 10 bình chọn

Bến Tre: đốn dừa ta trồng dừa dứa

13:10 |

SGTT - Nhiều nông dân ở xứ dừa Bến Tre rủ nhau đốn bỏ những vườn dừa ta đang cho trái để trồng giống dừa dứa, vì hiện tại dừa dứa có giá bán cao gấp năm, sáu lần dừa ta.

Nhiều nhà vườn ở Bến Tre đốn bỏ dừa ta đang cho trái để thay bằng giống dừa dứa, thu nhập cao hơn dừa ta.

đốn dừa ta trồng dừa dứa

Chỉ trong một buổi sáng, ông Trần Văn Giàu, chủ vườn dừa ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành đã dùng cưa máy xách tay “hạ thủ” hơn 20 cây dừa ta đang cho trái sai oằn. Ông Giàu nói tỉnh bơ: “Tui đốn bỏ dừa ta để thay bằng giống dừa dứa, giá trị kinh tế cao hơn”. Trước ông Giàu, nhiều chủ vườn dừa ở Mỹ Thạnh An (thị xã Bến Tre), Phước Thạnh (huyện Châu Thành), Giồng Trôm… đã thi nhau đốn dừa ta để trồng dừa dứa.
Ông Đỗ Thanh Thưởng, chủ 2,5ha vườn dừa ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, cho biết hiện nay một hécta đất chỉ trồng được 160 cây dừa, chăm sóc tốt thu hoạch được 1.200 trái (một thiên dừa)/tháng. Mấy tháng gần đây giá dừa ta (cả dừa khô lẫn dừa nước) giảm sụt. Nếu trừ tiền thuê nhân công bẻ dừa (400.000đ/thiên), cộng thêm các khoản chi phí khác, người trồng dừa thu lãi tối đa chưa tới 20 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, dừa dứa (nước ngọt thanh, có mùi thơm lá dứa) đang trở thành loại cây trồng “siêu lợi nhuận” vì khách du lịch rất ưa chuộng. Dọc hai bên quốc lộ 60 đoạn gần cầu Rạch Miễu dừa dứa bày bán với giá 18.000 – 20.000đ/trái (gấp 5 – 7 lần so với dừa ta). Một chục dừa dứa bán tại vườn từ 120.000 – 150.000đ. Có bao nhiêu thương lái giành giật mua hết bấy nhiêu.
“Nhiều năm nay giá dừa ta luôn trong tình trạng bấp bênh, lúc cao điểm lên đến hơn 60.000đ/chục, nhưng thường xuyên rớt xuống mức giá vài trăm đồng/trái, nên việc nhà vườn rủ nhau đốn bỏ dừa ta để đổ xô trồng dừa dứa là chuyện tất yếu”. Ông Thưởng còn cho biết năng suất dừa dứa không thua kém dừa ta, cây trồng sau ba năm là bắt đầu cho thu hoạch. Một hecta đất trồng dừa dứa mỗi tháng có thể thu được 12 – 15 triệu đồng.

Ngày 17.8.2014, ông Lê Phong Hải, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết hiện nay tỉnh đang có dự án cải tạo, trồng mới 5.000 ha dừa dứa, vì xác định đây là loại cây trồng đặc sản, cho thu nhập cao. Nhưng việc nhiều nông dân tự phát đốn bỏ vườn dừa ta đang cho trái để trồng dừa dứa thì ở đây chưa biết. “Tôi sẽ chỉ đạo nhân viên nắm lại tình hình, không để nông dân phá vườn dừa, làm sụt giảm nguồn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến hàng xuất khẩu của tỉnh”, ông Hải nói. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc khuyến cáo nhà vườn không nên đốn dừa ta cũng rất khó, bởi thị trường dừa trái luôn bấp bênh. Chỉ cần giá thu mua dừa trái xuống thấp, nhà vườn không có lời thì họ không ngần ngại đốn bỏ vườn dừa để trồng cây khác.
Cho đến nay, chưa có con số thống kê diện tích đất trồng dừa dứa ở Bến Tre, nhưng điều làm nhiều người băn khoăn là hiện nay giống dừa dứa đang được nông dân nhiều tỉnh trồng. Tại Kiên Giang, chỉ tính riêng ba huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận đã có hơn 100.000 gốc dừa dứa, trong đó có hơn 30.000 gốc đã cho trái. Trong những năm tới, khi trái dừa dứa không còn là đặc sản thì giá bán có còn ở mức cao ngất ngưởng 120.000 – 150.000đ/chục như hiện nay?

Bài và ảnh: Hùng Anh

Tòa khổ vì… ba cây dừa

18:25 |

Vụ kiện rất đơn giản nhưng tòa phúc thẩm phải “mướt mồ hôi” thuyết phục hai bên đương sự chỉ vì tòa sơ thẩm quên giải quyết “số phận” của ba cây dừa trên phần đất tranh chấp.

Hết tranh chấp đấtTòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa vụ tranh chấp quyền sử dụng 14 m2 đất giữa bà LTT với vợ chồng ông VTP ra xét xử.

Theo hồ sơ, năm 2007, bà T. mua một mảnh đất diện tích 250 mcạnh nhà ông P. (đã được UBND tỉnh Trà Vinh cấp giấy đỏ). Lúc này, ranh giới đất giữa hai nhà được xác định bằng hai trụ đá. Thế nhưng đến tháng 6-2010, ông P. tự ý cắm trụ ranh lấn qua diện tích đất nhà bà T. hơn 14 m2 để trồng ba cây dừa. Bà T. bèn đâm đơn kiện đòi lại phần đất mà hàng xóm đã lấn chiếm.

Phần ông P. thì nói không có chuyện ông tự ý lấn đất của bà T. Ông nói phần đất của nhà bà T. đang ở hiện nay vốn là của gia đình ông K. trước đây. Từ trước năm 1984, ranh giới giữa đất nhà ông với nhà ông K. có một bờ ranh mà hai bên đã trồng dừa cho đến nay. Đến năm 2007, khi bán đất cho bà T., ông K. đã tự ý cắm trụ đá lấn sang phần đất của ông 6 tấc nên đến năm 2010, ông mới… lấn lại. Nay ông yêu cầu tòa phân xử lại ranh đất cho đúng thực tế.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Trà Vinh nhận thấy theo dữ liệu địa chính lập năm 1983 thì mảnh đất của ông T. rộng 1.540 m2 nhưng theo dữ liệu năm 1991, mảnh đất của ông tăng lên thành 1.556 m2. Trong khi đó, mảnh đất của bà T. theo dữ liệu địa chính lập năm 1983 là 250 m2 nhưng theo dữ liệu của năm 1991 lại giảm xuống chỉ còn hơn 230 m2.
Như vậy, theo dữ liệu địa chính thì có thể thấy ông P. đã lấn ranh sang phần đất của bà T. gần 20 m2. Tuy nhiên, do bà T. chỉ yêu cầu vợ chồng ông P. trả lại hơn 14 m2 nên tòa buộc vợ chồng ông P. phải trả lại cho bà T. từng đó.
Thắng kiện, bà T. vẫn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại vì cho rằng tòa sơ thẩm đã quên không giải quyết “số phận” của ba cây dừa mà ông P. trồng trên phần đất lấn chiếm.
Lại đến tranh chấp dừa
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T. trình bày rằng sau khi trả đất, ông P. đã sang đòi bà phải bồi thường giá trị của ba cây dừa. “Ba cây dừa đó đã lớn nên khi ông ấy đòi, tôi nói sẽ trả 600.000 đồng/cây nhưng ông ấy không chịu. Ông ấy nhất định bắt tôi phải đi giám định giá trị mỗi cây dừa bao nhiêu thì phải trả đúng bấy nhiêu. Là hàng xóm, tôi nghĩ cần phải sống có chút tình chút nghĩa nhưng ông ấy làm quá nên tôi phải nhờ tòa tiếp tục phân xử” - bà T. nói.
Ông P. phản bác: “Ba cây dừa là công tôi chăm sóc bao lâu nay. Năm nào chúng cũng cho trái, cả hai nhà đều ăn. Nay đùng một cái, bà ấy kiện đòi đất và đòi chặt luôn cả ba cây dừa. Khi tôi sang đòi tiền, bà ấy mới chịu bồi thường mỗi cây 600.000 đồng. Số tiền ấy làm sao đủ công tôi chăm sóc bấy lâu nay. Tôi yêu cầu tòa hoãn xử để định giá ba cây dừa”.
Trước đây, hòa giải không xong, tòa phúc thẩm từng hai lần phải hoãn xử vì ông P. lúc đòi dừa, lúc lại quay sang đòi đất. Lần này, tòa không đồng ý hoãn xử nữa. Tòa phân tích với hai bên rằng ông P. đã lấn chiếm đất của bà T. thì phải trả lại đất là đúng. Tuy nhiên, trên đất có ba cây dừa mà ông P. đã trồng và có công chăm sóc, nay bà T. lấy lại đất thì phải trả giá trị ba cây dừa là hợp lý, thể hiện được tình làng nghĩa xóm với nhau...
Sau khi nghe tòa thuyết phục, bà T. đồng ý trả mỗi cây dừa lên 1 triệu đồng. Ông P. vẫn không chịu, một hai nhất quyết đòi tòa hoãn xử để định giá.
Chủ tọa bèn hỏi: “Hiện nay, theo giá thị trường ở địa phương thì 14 m2 đất đó trị giá hơn 8 triệu đồng. Hay bây giờ ông lấy 14 m2 đất rồi trả cho bà T. số tiền ấy cộng với 3 triệu đồng giá trị ba cây dừa?”. Nghe tòa hỏi, ông P. xuống hội ý với các thành viên trong gia đình rồi lên trả lời rằng: “Không! Tôi xin trả đất cho bà T. và nhận 3 triệu đồng giá trị của ba cây dừa”.
Thấy ông P. chịu nhận tiền, chủ tọa thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên sửa một phần án sơ thẩm, buộc ông P. phải trả hơn 14 m2 đất cho bà T., còn bà T. trả 3 triệu đồng giá trị ba cây dừa cho ông P. như hai bên đã thống nhất tại phiên xử.
Theo NGỌC THÂN (Pháp Luật TP HCM)