Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn
9/10 10 bình chọn

Những điểm lưu ý khi trồng dừa xiêm

20:35 |
Trước kia dừa xiêm được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta hoặc cây ăn trái để làm nước giải khát khi khách đến nhà. Tuy nhiên , ngày nay dừa xiêm lại trở thành cây có giá trị kinh tế cao mà lại  ít  vốn đầu tư, mau cho trái, và đặc biệt là ít tốn công chăm sóc, bón phân, phun thuốc như những cây ăn trái khác. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dừa xiêm ngày càng cao, có lẽ vì nước dừa là loại giải khát thiên nhiên vừa ngon, bổ mà lại rất tinh khiết và phát triển thích hợp với vùng đất Bến Tre. Vì thế hiện nay nông dân đang có khuynh hướng mở rộng diện tích trồng dừa xiêm.

dừa uống nước
Cây dừa xiêm.Ảnh minh họa

Môi trường sống và kỹ thuật canh tác tác động mạnh mẽ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa xiêm. Để đạt sản lượng cao và ổn định, cần lưu ý một số điều khi trồng:

- Tuyển chọn giống: chọn những trái trong vườn trồng thuần dừa xiêm( không trồng xen với các loại giống khác), vì dừa dễ bị lai tạp. Nên ưu tiên chọn các trái giữa buồng rồi đến trái cuối buồng, nên bỏ những trái ở đầu buồng vì về sau cây sẽ cho những buồng có cổ bông dài, dễ bị gãy cổ.

- Trong vườn ươm, chọn cây con có nhiều lá, cuống lá ngắn, rộng và phiến lá rộng thường là những cây cho sản lượng cao.

- Rễ thường phát triển ở phạm vi bán kính 2m, do đó khi trồng xen các cây khác nên cách gốc dừa ít nhất 2m.

- Bẹ lá là một gía đỡ để bảo vệ buồng trái, vì thế không nên vô cớ đốn tỉa các tàu lá non sẽ làm giảm sức tăng trưởng của cây. Đối với những cây dừa đang cho trái, nếu tàu lá bị mất đi trước khi hoa tự nở sẽ làm cho hoa tự ở nách lá đó bị hư, hoặc nếu buồng trái phát triển sau này dễ bị gãy cổ.

- Rễ chính có thể sống được lâu nhưng rễ phụ có đời sống ngắn, dễ bị chết khi gặp khô hạn hay bị ngập úng, do đó nên chú ý tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con và mương vườn cần có hệ thống thoát nước tốt.

- Thường xuyên xới xáo vườn dừa vào đầu mùa mưa để cắt bỏ phần rễ chết, tạo sự thoáng khí cho đất cho rễ mới mọc ra là một việc làm cần thiết trong quá trình chăm sóc dừa.

- Làm sạch cỏ tranh vì thân ngầm của nó khi gặp điều kiện ẩm sẽ tái sinh trưởng và có thể đâm thủng qua các rễ dừa, các chất độc do cỏ tiết ra có thể làm chết rễ dừa.

- Hàng năm nên vét mương, bồi bùn vừa cung cấp thêm đất cho bộ rễ vừa cung cấp thêm dưỡng chất cho cây và vừa tạo điều kiện cho vườn dừa thoát nước dễ dàng, tránh ngập úng. Tuy nhiên, không nên bồi bùn quá dày vì có thể làm ngộp và nóng rễ cây gây hiện tượng rụng trái non, cũng không nên chỉ bồi phủ chung quanh gốc dừa vì rễ non sẽ không hút được chất dinh dưỡng đồng thời còn làm bộ rễ có khuynh hướng ăn trồi lên trên ( mau trồi gốc).

- Mỗi năm cây dừa sản xuất ra một khối lượng vật chất thực vật rất lớn ( rễ , thân, lá, hoa, trái ), vì thế nhu cầu dinh dưỡng đối với cây dừa là rất lớn và rất cần thiết. Cho nên việc bón phân hợp lý là một biện pháp kỹ thuật tích cực và quan trọng để thâm canh vườn dừa cao sản. Điều cần lưu ý là nếu để cây dừa thiếu hụt dinh dưỡng trong một thời gian dài rồi mới bù đắp cho nó thì không thể nào phục hồi được năng suất như mong muốn.

- Trên dừa xiêm cần chú ý hai đối tượng quan trọng là sâu đuông  và bọ cánh cứng hại dừa ( dừa xiêm rất mẫn cảm đối với các côn trùng này).

+ Đuông dừa: Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công, đến khi phát hiện thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá huỷ. Đuông trưởng thành đẻ trứng trên thân dừa bị thương tích và trên những vết nứt của thân. Phá hại chủ yếu giai đoạn sâu non. Ấu trùng khoét những lổ nhỏ trên thân hoặc trên ngọn cây. Khi ấu trùng bắt đầu tấn công và ăn đọt dừa, những lá non bắt đầu héo và ngã xuống, báo hiệu cây dừa sắp chết. Biện pháp phòng ngừa sự phá hại của kiến vương cũng là phòng ngừa sâu đuông, vì sâu đuông là côn trùng xâm nhập thứ cấp (đẻ trứng trên vết đục của kiến vương). Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu đuông, dùng bông gòn tẩm các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrinex 20 EC, Actara 25WG,…nhét vào các lổ xâm nhập của sâu đuông sau đó dùng đất sét trám bít lổ lại.

+ Bọ cánh cứng hại dừa (Bọ dừa): phá hại ở cả giai đoạn sâu non và trưởng thành. Bọ dừa tấn công bề mặt của lá non chưa mở. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô, mất khả năng quang hợp. Hiện nay, việc thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa là biện pháp sinh học được ứng dụng phổ biến, đạt hiệu quả cao, ít tốn kém và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù dừa xiêm là loại cây dễ trồng, song để có sản lượng cao luôn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà vườn.

Nguồn  vua dua ngoc lai

Phương pháp chọn giống dừa tối ưu nhất

17:03 |
Dừa thuộc lớp đơn tử diệp, họ Arecaceae (Palmae), chi Cocos, loài Cocos nucifera. Hiện nay, trên thế giới diện tích dừa có gần 12,5 triệu ha, có mặt tại 93 quốc gia, tập trung nhiều ở các nước cận đường xích đạo, nhất là châu Á và Thái Bình Dương. Việt nam có khoảng 147.000 ha dừa.
Mỗi quốc gia, tuỳ theo vùng khí hậu địa lý, cây dừa đã tự thích nghi và tồn tại lưu niên nên có những giống dừa rất đặc trưng nơi đó mà đem đến nơi khác để trồng và sinh trưởng có khi không được hoặc cho sản phẩm thu hoạch không như mong muốn. Ví dụ: như lấy một số giống dừa từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) mang về Bến Tre trồng sẽ có những kết quả không như mong đợi: không trái, trái ít, trái nhỏ, cây chậm phát triển… Vì cây không thích hợp khí hậu, đất đai, thời gian chiếu sáng trong ngày, trong năm, cường độ ánh sáng từng mùa tại Bến Tre… nhưng có thể các giống tại Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan thì rất gần gũi, cùng vĩ độ với Bến Tre nên có thể cây dừa phát triển được tốt.
Bến Tre hiện có 52.500 ha dừa, là tỉnh có quần thể giống dừa khá phong phú do tập hợp các nguồn giống từ gần 200 năm qua ở trong nước và các nước láng giềng nên các giống dừa tại đây được đánh giá là thích nghi, năng suất, chất lượng cao. Điều đó khẳng định chúng ta nên tuyển chọn các giống dừa đã có tại địa phương Bến Tre để trồng là tốt nhất.
Dừa là loại cây lâu năm, có thể sinh trưởng tại vùng đất cát ven biển đến đất phù sa nhiễm mặn nhẹ. Vùng nước lợ tỉnh Bến Tre cây dừa phát triển 50-60 năm, giống dừa dâu cho thu hoạch khoảng 90-120 trái/năm, dừa ta thu hoạch khoảng 70-100 trái/năm. Nếu chọn giống dừa từ cây dừa mẹ không tốt, ít trái, trái nhỏ, mặc dù cây dừa mẹ cho trái khá nhưng nằm trong quần thể vườn dừa có nhiều cây ít trái lân cận, nó đã thụ phấn chéo, bị lai và cho trái vẫn ít.
I - Chọn giống dừa:
Khi trồng dừa việc đầu tiên phải nghĩ đến là chọn giống, khâu quan trọng nhất, vì nó quyết định cho sự thành bại khi trồng dừa trên mảnh vườn của mình, gắn liền gần suốt một đời người.
Qua thực tế nhận thấy, nhiều nơi vùng trọng điểm trồng dừa của tỉnh (vùng lợ), hàng năm bị nước mặn 4‰ xâm nhập 3-4 tháng nhưng nhiều giống dừa phát triển rất tốt, năng suất cao, chứng tỏ các giống dừa thích hợp nhiều ở vùng nước lợ. Do đó, khi chọn giống chúng ta cần phân biệt có hai nhóm giống dừa: dừa cao, dừa lùn.
+ Giống dừa cao gồm: dừa ta (xanh, vàng); dừa dâu (xanh, vàng); dừa bung, dừa sáp.
Dừa ta, dừa bung thường gốc to, đường kính gốc 0,6-0,7m, thân to khoảng 0,30m, cây cao 20-25m, tuổi thọ 50-60 năm hay hơn nữa, cho trái to hơn dừa dâu, cơm dừa dày, thường 8-12trái/tháng, hàm lượng dầu từ 63-67%, đến khi dừa lão vẫn cho trái ổn định, gốc rễ chắc chắn, chống chịu tốt, có thể chịu được gió bão. Nhóm dừa này thụ phấn chéo hoàn toàn nên khi ra trái cũng bị lai hoàn toàn.
Dừa dâu thường gốc nhỏ, đường kính gốc 0,5-0,6m, thân nhỏ khoảng 0,25m, cây cao 10-15m, tuổi thọ 35-45năm, cho trái nhỏ hơn dừa ta, cơm dừa mỏng hơn dừa ta, hàm lượng dầu ít hơn dừa ta, thường 12-15trái/tháng, nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi, dừa dâu có thể giảm năng suất, tuổi cao dừa nhỏ đọt, lá ngắn, trống cổ. Nhóm dừa này (trên thực tế gần như nhóm trung gian giữa dừa cao và dừa lùn) vừa có thụ phấn chéo nhưng vừa có tự thụ phấn, khi ra trái vẫn cho trái giống bị lai, rõ ràng khi trồng ra từ một giống nhưng cho các cây trái màu xanh, màu vàng.
Dừa lùn vàng PB 121 (Mã Lai x cao Tây Phi)
+ Giống dừa lùn gồm: dừa Xiêm (xanh, đỏ, lục, núm); dừa ẻo (xanh, vàng); dừa Tam Quan; dừa Mã Lai, dừa dứa (loại trái nhỏ),… thường đường kính gốc khoảng 0,35m, cây cao 10-12m, tuổi thọ 25-35 năm, trái nhỏ, thường 12-15trái/tháng, tính chống chịu kém, nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi, nhóm dừa này cũng cho trái nhỏ, tuổi cao dừa nhỏ đọt, lá ngắn. Nhóm dừa này tự thụ phấn, rất ít khi bị lai.
Trong tỉnh hiện có các giống dừa lai nhân tạo do Trung tâm nghiên cứu dừa Đồng Gò (xã Lương Hòa - huyện Giồng Trôm) sản xuất như:
- PB 121: dừa lùn vàng Mã Lai x cao Tây Phi.
- PB 141: dừa lùn xanh Ghiné Xích đạo x cao Tây Phi.
- JVA 1: dừa lùn vàng Mã Lai x cao Hijo.
- JVA 2: dừa lùn đỏ Mã Lai x cao Hijo.
Các giống này sau khi trồng 3 năm cho trái, năng suất 100-150trái/cây/năm, cây thấp dễ thu hoạch, chịu hạn tốt, có khả năng kháng sâu bệnh. Không nên để giống đời F2 vì sự phân ly (bị lai) rất nhiều.
Giống dừa sọc (trái dừa, bẹ dừa có sọc) uống nước ngọt, trồng nhiều tại Trung tâm nghiên cứu dừa Đồng Gò. Dừa sọc dễ bị lai, sau khi trồng cho trái giống rất ít cây còn giống như dừa mẹ; dừa bông còn gọi dừa ngọt, vỏ trái khi khô, bóc ra xơ dừa tơi xốp như bông, dễ thấm nước, lúc non ăn cả vỏ ngọt, có ở xã Phong Nẫm.
Các giống dừa khi trồng tại Bến Tre khuyến cáo nên cân nhắc kỹ: dừa bung trái rất to nhưng ít trái; dừa sáp tỷ lệ cây có trái sáp khoảng 50%, tỷ lệ trái sáp trên quày 10-20%; dừa Xiêm lửa (màu đỏ hơn dừa Tam Quan, màu đẹp nhưng uống nước ít ngọt); dừa bông (dừa ngọt) chuột, sóc ăn phá; dừa vua cuống dài, lạc bẹ, ít ngọt.
Ngoài ra, tại Trung tâm nghiên cứu dừa Đồng Gò có 4 cây dừa cấy phôi đã trồng năm 1993, nay đã lớn cho ít trái. Dừa cấy phôi được người ta dùng kỹ thuật cao lấy từ cái mộng dừa đem vào trong một chậu chứa hỗn hợp nhân tạo để trong điều kiện môi trường thích hợp, phôi phát triển ra lá, thành cây rồi đưa ra trồng ngoài vườn, nghĩa là không trồng bằng trái mà trồng bằng mộng dừa. Sau khi trồng khoảng 7-8 năm cho trái, chậm hơn trồng từ trái dừa. Dùng phương pháp cấy phôi tạo cây dừa giống rất tốn kém, chậm cho trái, hiệu quả kinh tế kém.
II - Nguyên nhân dừa lai do thụ phấn chéo tự nhiên:
Khi mo nang trổ hoa, trong phát hoa có nhiều gié hoa, hoa đực và hoa cái nằm trên cùng một gié.
1- Nhóm dừa cao: khi phát hoa trổ ra, hoa đực nở tung phấn ra trước bay đi, trong lúc hoa cái chưa nở nhụy để thụ phấn, sau đó hoa cái nở nhụy lại trùng vào lúc hoa đực của cây dừa khác nở tung phấn bay đến và thụ phấn. Vì vậy, nhóm dừa cao có khả năng bị lai chéo hoàn toàn.
2- Nhóm dừa trung (dừa dâu): khi phát hoa trổ ra, một phần hoa đực nở tung phấn cùng lúc hoa cái nở nhụy để thụ phấn, một phần hoa cái nở nhụy sau thì trùng vào lúc hoa đực của cây dừa khác nở tung phấn bay đến và thụ phấn. Vì vậy, nhóm dừa lùn khả năng bị lai chéo ít hơn nhóm dừa cao.
3- Nhóm dừa lùn (dừa uống nước): khi phát hoa trổ ra, hoa đực nở tung phấn cùng lúc hoa cái nở nhụy để thụ phấn trùng thời điểm hoàn toàn. Vì vậy, nhóm dừa lùn khả năng ít lai chéo hơn nhóm dừa trung và dừa cao.
Phát hoa dừa có hoa đực và hoa cái
Hoa dừa đực chưa tung phấn
Hoa dừa đực đã tung phấn
Hoa dừa cái chưa nở nhụy
Hoa dừa cái khi nở nhụy
Hoa dừa cái khi nở nhụy nhưng hoa đực không còn nữa
Hoa dừa cái đã thụ phấn thành trái
Vì vậy, khi chọn giống cần phải:
- Chọn cây dừa sai trái,
- Trong quần thể vườn dừa sai trái,
- Không nên chọn cây dừa quá lão.
Nên nhớ:
                “Giống dừa là chuyện lâu năm
Khi trồng chọn giống để tâm kỹ càng
Không nên mua giống vội vàng
Để mai con cháu phũ phàng chúng ta”
III - Hiện nay có 3 phương pháp lai tạo giống mới:
1- Thụ phấn nhân tạo: Hoa đực ở cây mẹ được loại bỏ, hoa cái bao cách ly. Cây cha, hoa đực cũng được bao cách ly, sau đó thụ phấn, xử lý và phun lên hoa cái của cây mẹ.
2- Định hướng thụ phấn tự nhiên: Trong vườn trồng xen kẽ dừa cao và dừa lùn. Tới thời điểm cho trái, người ta loại hoa đực của cây dừa lùn, các hoa cái của cây mẹ sẽ được thụ bằng phấn của cây dừa cao để tự nhiên.
3- Thụ phấn có trợ lực: Tương tự như thụ phấn nhân tạo, người ta trồng các cây dừa lùn (làm mẹ) và cây dừa cao (là cha) ở những nơi riêng biệt, được cách ly đảm bảo, sau đó loại bỏ hết hoa đực ở vườn cây mẹ và thu hoạch hoa đực ở vườn cây cha để phun lên hoa cái ở vườn cây mẹ.
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu dừa Đồng Gò lai được giống dừa dứa lai sáp.
IV - Chọn cây dừa mẹ:
Tuổi cây mẹ: Giống dừa cao: từ 15 - 20 năm; giống dừa lùn: từ 10 - 15 năm.
Năng suất: Dừa cao từ 70-100 trái/cây/năm; dừa lùn từ 100-120 trái/cây/năm.
Thân phát triển bình thường, không dị dạng, sẹo lá khít, thân khỏe, mọc thẳng.
V - Chọn trái giống:
Tuổi trái: khi vỏ trái đã khô. Trái giống đều đặn, không dị dạng, không bị sâu bệnh. Trái giống được chọn từ cây dừa mẹ được bình tuyển.
VI - Cách để giống trái dừa:
Vạt vỏ trên đầu trái cho dễ thấm nước.
Để trái nằm ngang cho nước dừa dễ tiếp xúc với mộng dừa, cung cấp dinh dưỡng chp phôi. Dăm dừa xuống đất, tủ mụn dừa và tưới ẩm thường xuyên. Khi trái lên 4-5 lá đem trồng ra vườn.
Vạt vỏ trái khi ươm
Ươm ủ trái dừa giống
Cây dừa giống thương phẩm
Đỗ Văn Công
Sở NN và PTNT

Xử lý dừa xiêm xanh đạt năng suất cao

16:41 |
Cây dừa là cây trồng rất phổ biến ở nước ta, đặc biệt là Bến Tre xứ dừa. Hiện nay, ngoài cây dừa ta cho cơm dừa ép dầu xuất khẩu thì cây dừa xiêm xanh cung cấp dừa tươi là nước uống giải khát rất được nhiều người ưa thích. Trong quá trình canh tác vườn dừa, chúng tôi đã ứng dụng các phương pháp chăm sóc, bón phân và xử lý ra hoa giúp cây dừa phát huy tối đa năng suất cho trái. Với những thực nghiệm dưới dây, giúp cây dừa xiêm xanh cho buồng từ 20-25 trái xin được chia sẽ cùng bà con nhà nông.


dừa xiêm xanh

1/ Phân hữu cơ

Chúng tôi bón phân hữu cơ đầu mùa mưa, phân chuồng ( phân gà, cút) mỗi cây 10kg , khoảng nữa bao, chia làm 3 phần rồi đào hố chôn xung quanh gốc dừa.

2/ Phân vô cơ

a/ Đa lượng:
Mỗi năm ,chúng tôi chia làm 3 lần bón phân cho cây, mỗi lần bón như sau:
- Đạm 250-300g
- Lân 300 g
- Kali 300g. Chú ý ở đây bón Kali Clorua (KCL) vì cây dừa cần Clo như 1 đa lượng cần thiết để giúp cây hấp thụ phân bón đa lượng và vi lượng.
Trường hợp không sử dụng KCL, thì có thể thay thế bằng Amoni Clorua ( Muối lạnh) để bón cho cây, và trộn chung với phân bón Kali bình thường .

b/Trung- Vi lượng

Mỗi năm cũng trộn bón kèm theo đa lượng như sau:
- Magie 2g/cây/lần
- Kẽm 2g/cây/lần
- Sắt 1g/cây/lần
- Đồng 1g/cây/lần
- Mangan 0.25g/cây/lần (1 g cho 4 cây)
- Bo 0.25g/cây/lần (1 g cho 4 cây)
Riêng đối với Canxi (Vôi) Bón vào đầu và cuối mùa mưa mỗi cây 0.5 kg/lần .
Chú ý: Vôi bón trước hoặc sau bón các phân khác 30 ngày.

Chất điều hòa sinh trưởng:

Cây dừa bị kích thích ra hoa và tăng số lượng bông cái dưới tác động của chất điều hòa sinh trưởng Auxin-NAA rất lớn. Thực nghiệm cho thấy, đối với dừa mỗi năm nên xử lí tưới gốc NAA từ 2-3 lần sẽ cho hiệu quả đậu trái rất cao, đồng thời ngăn hiện tượng rụng trái non vào mùa mưa dầm cũng như trời nắng gắt.

Hàm lượng đề nghị 0.25g-0.5g NAA cho 1 cây cho 1 lần xử lí.

Nếu có điều kiện thì mỗi tháng phun 1 lần khi cây ra buồng hoa, phun trực tiếp lên buồng hoa và trái non để kích thích trái lớn và ngăn rụng trái non rất hiệu quả.
Hàm lượng thực tế là 10 ppm ( tương đương 1 g cho 100 lít nước) phun cho 1ha.

(St)

Cách trồng dừa xiêm lùn cho năng suất cao

21:56 |
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã làm giàu nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa lùn (dừa dứa, dừa xiêm xanh...) cho trái sớm, năng suất cao, chất lượng trái ngon.
Cây giống sau khi chọn lựa kỹ, được mua từ những trung tâm sản xuất giống uy tín đem về trồng với khoảng cách: Cây cách cây 7x7m, trồng thâm canh thì 6x6m. Trước tiên phải chuẩn bị hố với kích thước 0,6x0,6x0,6m. Trộn mỗi hố 10 - 15kg phân hữu cơ hoai mục với lớp đất mặt đã được đào lên. Sau đó đắp thêm 1 lớp đất tạo mô thấp khoảng 10 - 20cm so với mặt liếp là vừa.

Cách trồng dừa xiêm lùn cho năng suất cao

Do năng suất và giá bán cao, dừa xiêm lùn đang được nhiều nông dân trồng.
Đào hốc hình tròn có đường kính 40cm, sâu 40cm ngay giữa mô, bón lót thêm 0,5kg phân lân rải đều xuống hố (đối với vùng đất xấu có thể bón 1kg). Đặt cây giống vào hốc (đặt gáo dừa hướng vào trong liếp, thân cây hướng ra mương) sau đó lấp đất lại, ém đất xung quanh vừa phải, cắm cọc giữ cho cây khỏi ngã hoặc gió lay đứt rễ.

Liều lượng phân bón cho dừa tùy thuộc vào loại đất trồng, có trồng xen hay thâm canh, màu lá trên cây dừa (xanh biếc hay đã ngả vàng), có thể áp dụng theo biểu đồ bên:

Khi cây từ 1 - 3 năm tuổi, mỗi năm bón 2 lần vào khoảng tháng 5 - 6 và khoảng tháng 10. Phân được trộn đều, cuốc 4 lỗ quanh gốc theo hình chiếu tán, cách gốc 0,5 - 1,2m, bón đều lượng phân rồi lấp đất lại. Đối với dừa từ 3,5 - 5 năm sau khi trồng, cây bắt đầu cho trái ổn định ta có thể chia lượng phân ra bón 3 - 4 lần/năm. Lần đầu bón 30% lượng phân vào đầu mùa mưa, lần 2 và 3 bón mỗi lần 20% lượng phân, lần cuối bón 30% trước khi dứt mùa mưa khoảng 1 tháng. Phân được trộn đều, xới đất xung quanh gốc và cuốc một đường rãnh cách gốc khoảng 1,5 - 2m, sâu 10 cm, rộng 40cm, rải đều phân vào rãnh rồi lấp đất phủ kín bề mặt. Lần bón phân tiếp theo xới đất liền kề và nới rộng ra hơn lần trước. Ngoài ra, cũng có thể rải phân xung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mùa mưa. Trên vùng đất phèn bón thêm vôi từ 1 - 3kg/gốc tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất (bón vôi trước, sau vài cơn mưa đầu mùa). Đối với những vùng đất cao nên tưới nước cho dừa vào mùa khô (1 - 2 lần/tuần).

Thạc sĩ Lê Hữu Toàn