Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn
9/10 10 bình chọn

Tiềm năng của cây dừa dứa

16:37 |
Đây là lần đầu tiên giống dừa dứa được trồng thành công tại Quảng Ngãi. Với hiệu quả về kinh tế, cây dừa dứa mở ra hướng đi mới cho nông dân ở các vùng ven sông, ven biển trong tỉnh.

Dừa dứa là giống cây quen thuộc với người dân Nam Bộ. Đây còn là một trong những giống cây chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Dừa dứa cho quả tròn, nước ngọt có vị thơm như mùi lá dứa. Mùa nắng nước dừa càng thơm ngơn. Cả lá non, rễ cây cũng có mùi thơm.

Dừa dứa trồng sau ba năm là ra trái. Bình quân dừa có thể ra 15 buồng/năm, tương đương với hơn 100 trái/cây. Dừa dứa cho năng suất cao kéo dài đến 20 năm.

Sau khi tìm hiểu thông tin về tiềm năng kinh tế của cây dừa dứa, anh Trần Phú Xuân ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã lặn lội vào tỉnh Vĩnh Long để tham quan các vườn dừa dứa ở đây. Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa về cây giống và một phần chi phí phân bón, anh Xuân quyết định đầu tư vào trồng vườn dừa dứa tại chính mảnh đất quê hương mình. Cây giống được mua tại Viện cây quả miền Nam. Anh Xuân cho hay, tính tất cả chi phí thì cây giống nhập về có giá 120 ngàn đồng/cây.

trồng dừa dứa

Dừa dứa cho trái quanh năm, rất sai quả và thuận tiện trong việc thu hoạch.

Anh Xuân cho biết, giống dừa này cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn so với dừa truyền thống. Tuy nhiên, cách chăm sóc cũng đơn giản như các loại cây ăn quả khác, đó là bón phân, tưới nước, chú ý theo dõi nhất là trong những ngày đầu xuống giống.

Dừa dứa được trồng theo hàng, cách nhau khoảng 6m. Điều đáng lưu ý là vì dừa dứa có mùi thơm nên dễ thu hút các loại sâu bệnh, kiến phá hoại cây. Vì vậy người trồng phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện loại kiến dương hay ẩn nấp sâu trong thân cây dừa để đục phá.

Sau ba năm chăm sóc, anh Xuân đã gặt hái những thành quả ban đầu. Đó là vườn dừa dứa với gần 250 cây đang ra trái.

Trong khi người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu lựa chọn các loại nước uống giải khát hợp vệ sinh, có nguồn gốc từ thiên nhiên, cho nên chỉ với lứa dừa dứa đầu tiên, anh Xuân đã nhận nhiều đơn đặt hàng. Tín hiệu đáng mừng là nhiều đơn đặt hàng “bao trọn” trái lớn, nhỏ của các thương lái để bán cho các sạp hàng trái cây. Ngoài ra, với lợi thế trái tròn, hình dáng vừa phải, đẹp mắt, dừa dứa còn là loại trái cây được nhiều người thích mua về để trưng bày bàn thờ tổ tiên, nhất là trong dịp Tết cổ truyền sắp đến.

Anh Xuân nhẩm tính, so với dừa truyền thống có chiều cao trung bình khoảng 5m thì phải tính thêm chi phí cho công thu hoạch. Trong khi đó giống dừa dứa này cho trái ở gần mặt đất, thuận tiện trong thu hái, ít tốn công.

Dừa dứa ra trái quanh năm lại sai quả, thời gian sinh trưởng lâu. Với giá 8.000 đồng/trái thì trung bình mỗi năm có thể mang lại cho người trồng dừa nguồn thu đáng kể, nếu trồng nhiều cây.

Ông Phạm Đăng Đồng - Trưởng Trạm khuyến nông huyện Tư Nghĩa cho biết, việc đưa giống dừa dứa vào trồng tại địa phương góp phần tăng thêm cơ cấu cây trồng cho người nông dân. Trồng dừa dứa mang lại nhiều hiệu quả như dùng làm nước uống tốt cho sức khỏe, phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nông thôn, nhất là khu Bãi Dừa đang ngày càng được đầu tư...

Theo baoquangngai.vn

Dừa sáp Cầu Kè cháy hàng

13:31 |
Những ngày cận Tết, các thương lái ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) túc trực tại các vườn dừa của bà con để thu mua dừa sáp (hay còn gọi là dừa đặc ruột).


dừa sáp trà vinh

Dừa sáp đắt khách, giá cao nên thường xuất hiện loại dừa sáp giả bán dọc đường

Đây được xem là đặc sản độc nhất vô nhị của tỉnh Trà Vinh và cả Việt Nam. Bởi lẽ, cây dừa sáp chỉ trồng trên đất ở một số xã của huyện Cầu Kè thì mới cho ra sáp, còn lại nếu mua giống về trồng ở những vùng đất khác thì nó cho ra trái dừa bình thường.

Hơn nữa, tỉ lệ trái sáp trên mỗi buồng dừa trồng tại Cầu Kè chỉ đạt khoảng 20%- 25% chứ không phải trái nào cũng đặc ruột. Thậm chí, có buồng hàng chục trái nhưng không có trái nào sáp.

Chính vì thế, ngày thường dừa sáp đã là hàng hiếm nên đến dịp lễ, Tết thì loại đặc sản này luôn “cháy” hàng và “sốt” giá. Hiện tại, giá dừa sáp tại Cầu Kè dao động ở mức 200.000- 250.000 đồng/trái loại 1 nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Anh Nhựt, một thương lái thu mua và phân phối dừa sáp, cho biết: “Do nhu cầu làm quà biếu gia tăng nên có thể sát và sau Tết, giá dừa sáp sẽ tăng lên từ 20%- 30% do lượng cung không đủ cầu”. Cũng theo cảnh báo của anh Nhựt, để tránh mua dừa sáp “đểu” thì người dân không nên mua dừa sáp dọc đường hoặc ở những điểm bán dừa không ghi rõ tên và điện thoại của cơ sở cung cấp trên vỏ trái dừa.

Theo những người dân trồng dừa sáp ở Cầu Kè, thời gian bảo quản ở nhiệt độ bình thường đối với loại dừa này không quá 30 ngày tính từ ngày hái. Trong thời gian này, quả dừa sáp bổ ra sẽ thấy lượng nước dừa bên trong rất ít và sền sệt như kẹo. Phần cơm dừa dày, dẻo và rất thơm ngon nên thích hợp để chế biến thành các món sinh tố, kem...


dừa dứa

Dừa dứa có trái giống dừa Xiêm nhưng nước có mùi thơm lá dứa và vị ngọt thanh

Tương tự dừa sáp, vài năm gần đây bà con trồng dừa ở Bến Tre và Tiền Giang cũng trồng được loại dừa dứa có mùi hương rất lạ. Điểm nổi bật của giống dừa này là không chỉ nước dừa mà các thành phần khác của cây như lá, hoa, cơm và vỏ cũng toát lên mùi hương lá dứa. Không chỉ có mùi hương lạ, nước dừa dứa còn có vị ngọt thanh hơn cả dừa xiêm.

Theo các nhà vườn, hương thơm của trái dừa dứa tỉ lệ nghịch với kích thước của nó: trái càng nhỏ thì mùi hương càng thơm, trái càng to thì mùi hương chỉ còn nghe thoảng qua. Để trái dừa dứa không bị lai tạp, các nhà vườn phải gieo trồng trên một diện tích cách xa các loại dừa bình thường để tránh tình trạng hoa thụ phấn chéo.

Hiện tại, giá dừa dứa ở mức 20.000- 30.000 đồng/trái, tăng gần 50% so với giá ngày thường. “Các nhà vườn trồng dừa dứa đều đã ký hợp đồng cung cấp cho các siêu thị nên dừa dứa chính hiệu ít khi xuất hiện bên ngoài”- chị Sáu, một thương lái chuyên cung cấp loại dừa này, cho biết.


Kết quả bước đầu thử nghiệm giống dừa Dứa nhập nội tại một số Tỉnh phía Nam

19:07 |
1.Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG
Cây dừa là nguồn cung cấp thực phẩm, nước giải khát, chất đốt, vật liệu xây dựng... cho hàng vạn hộ gia đình ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB), cung cấp nguyên liệu để chế biến nhiều loại hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu.


dừa dứa bến tre

Hiện nay các giống dừa dùng để uống nước như Xiêm, Tam quan, Ẻo, Dứa…. chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu giống dừa Việt Nam, đặc biệt là giống dừa Dứa được du nhập về trồng thử nghiệm tại Việt Nam trong vài năm vừa qua. Trong dự án Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2001–2005 đã giới thiệu và phát triển giống dừa Dứa (Aromatic) như một giống dừa có giá trị kinh tế cao dùng để uống nước, phục vụ sinh thái và xuất khẩu.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển sản xuất dừa trong thời gian tới và những  bức xúc của người trồng dừa, Bộ môn Cây có Dầu dài ngày thuộc Viện Nghiên cứu Dầu Thực vật đã khảo nghiệm giống dừa Dứa ở một số tỉnh trồng dừa tập trung nhằm mục tiêu:  
- Đa dạng hóa cơ cấu giống dừa ở Việt Nam, để góp phần phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
- Đánh gía khả năng thích nghi của giống dừa Dứa nhập nội trên một số vùng đất phù sa ĐBSCL và DHNTB.

2. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:
2.1 Một số đặc điểm của giống dừa Dứa nhập nội
Dừa Dứa được gọi là giống dừa thơm vì nước dừa và cơm dừa có vị ngọt và mùi thơm đặc biệt. Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Thái Lan (Horicultural Research Institute, BangKok, 1999) giống dừa Dứa được gọi theo tên địa phương là “Nam Hom” xuất sứ từ tỉnh Nakhom Chaisi, phát triển tốt ở vùng đất phù sa. Mùi thơm của giống dừa này không những được xác định qua nước và cơm dừa mà chúng ta có thể xác định qua rễ non của cây và lá dừa. Tuy nhiên giống dừa Dứa nếu trồng ở những điều kiện sinh thái không thích hợp thì sẽ mất đi hương thơm của chúng.
Dừa Dứa thuộc giống dừa lùn, tự thụ tức là pha đực và pha cái của cùng một hoa tự, hoàn toàn trùng nhau và không gối đầu lên hoa tự kế tiếp. Đây cũng là một đặc tính giúp cho giống dừa Dứa giữ được mùi thơm đặc trưng của giống.
Thân của giống dừa này thường thấp, thân thẳng không phình to dưới gốc, dễ thu hoạch.
Trong điều kiện sinh thái phù hợp, sau khi trồng 2,5 – 3 năm giống dừa Dứa đã bắt đầu cho quả. Trong khi đó đối với giống dừa cao (Ta, Dâu sau khi trồng 5 năm mới cho quả), mỗi cây có thể cho 14 –16 quày/ năm (giống dừa cao chỉ cho 12-13 quày/ cây/ năm). Trong nước dừa có chứa nhiều thành phần vitamin thuộc nhóm B (Acid nicotinic, biotin, acid pantothenic..), acid amin (Arginine, Histidin, Tyrosin, serine…) là những chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể và cũng là môi trường nuôi cấy vi sinh rất tốt.
Theo số liệu điều tra, nước ta có khoảng 100 cây dừa Dứa trồng rãi rác ở một số hộ nông dân của tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Tuy nhiên việc nhân giống dừa Dứa trong nước còn rất hạn chế. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất dừa trong thời gian tới, dự án Phát triển sản xuất giống dừa giai đọan 2001–2005 đã nhập giống dừa Dứa trồng khảo nghiệm ở một số tỉnh trồng dừa tập trung ở ĐBSCL và DHNTB.
Giống dừa Dứa được nhập vào tháng 9 năm 2002 với tổng số cây là 14.820 và được chăm sóc tại trạm Thực nghiệm dừa Bình Thạnh, Trung Tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre, Trung tâm giống Trảng Bàng Tây Ninh. Đến tháng 12/2003, dự án đã chuyển giao 12.262 cây giống (tương đương 76 ha) cho 13 tỉnh, thành có trồng dừa trong cả nước từ Thanh Hoá trở vào. Tuỳ thuộc vào yêu cầu của mỗi địa phương mà quy mô của mô hình thử nghiệm có thể biến động từ 0,7 – 17,4 ha.  

2.2 Khả năng sinh trưởng của giống dừa Dứa nhập nội ở các điểm thử nghiệm
Cây dừa Dứa một năm tuổi, với cùng một chế độ chăm sóc, bón phân theo qui trình của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, nhận thấy:
-         Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các chỉ tiêu sinh trưởng: chu vi gốc, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét/bên, chiều dài lá chét, chiều rộng lá chét giữa các điểm thí nghiệm Bến Tre, Trà Vinh và Khánh Hòa.
-         Trên vùng đất phù sa, nhiễm mặn nhẹ ở xã Mỹ Cẩm, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cây dừa Dứa có các chỉ tiêu sinh trưởng: chu vi gốc (23,28cm), tổng số lá (6,4), Chiều dài lá thứ 1 (76,75cm), số lá chét/bên (27,90), chiều dài lá chét (40,38 cm), chiều rộng lá chét (2,94cm) cao hơn so với cây dừa Dứa trồng trên đất phù sa cổ vùng đất Đồng Gò, Bến Tre và đất cát ven biển Khánh Hòa.
Cây dừa Dứa 2 năm tuổi, với cùng một chế độ chăm sóc và bón phân, nhận thấy:
-         Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các chỉ tiêu sinh trưởng: chiều cao cây, chu vi gốc, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét 1 bên, chiều rộng lá chét giữa các điểm thí nghiệm ở Bến Tre, Tiền Giang và Tây Ninh.
-         Trên vùng đất phù sa ở huyện Châu Thành, Tiền Giang cây dừa Dứa có các chỉ tiêu sinh trưởng: chiều cao cây (222,13cm), chu vi gốc (54,53cm), tổng số lá (8,7), chiều dài lá thứ 1 (129,98cm), số lá chét 1 bên, cao hơn so với cây dừa Dứa trồng ở Bến Tre và Tây Ninh. 

2.3 Thành phần dinh dưỡng trong cơm dừa của một số giống
Qua điều tra khảo sát các cây dừa Dứa đang được trồng rãi rác ở Bến Tre và Tiền Giang từ trước khi có Dự án Phát triển sản xuất giống dừa, phân tích thành phần dinh dưỡng trong cơm dừa của giống dừa Dứa và một số giống dừa khác cho thấy các chỉ tiêu về năng lượng, khoáng, đạm trong cơm dừa Dứa rất cao so với một số nước giải khát tổng hợp khác. Thành phần năng lượng trong cơm dừa từ 133 – 243 Kcalo/100g, đạm từ 2,62 – 2,87 g/100 g, glucid từ 2,46 – 6,38g/100g. Thành phần dinh dưỡng  trong cơm dừa của giống dừa Dứa cao hơn so với giống dừa cao (dừa Ta). Điều này cũng phù hợp với mục tiêu chọn tạo giống dừa: sử dụng các giống dừa lùn dùng để giải khát. Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho người dân là vấn đề được Nhà nước quan tâm và quả dừa là một loại nước giải khát tinh khiết và bổ dưỡng so với các loại giải khát tổng hợp khác.

3. NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ
3.1 Nhận xét chung
- Đến cuối tháng 12 năm 2003, Dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2001 – 2005” đã phân bổ 12.262 cây dừa Dứa trồng ở 13 tỉnh, thành trong cả nước.
- Trên cùng một điều kiện sinh thái (thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn) và cùng một chế độ chăm sóc ở vùng đất phù sa chua cổ có đốm rỉ, cây dừa Xiêm có các chỉ tiêu sinh trưởng (chiều cao cây, chu vi gốc, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét 1 bên) cao hơn so với giống dừa Dứa địa phương và nhập nội.
- Cây dừa Dứa năm thứ 2 trồng trên đất phù sa ở huyện Châu Thành, Tiền Giang có các chỉ tiêu sinh trưởng về chu vi gốc, chiều cao cây, tổng số lá, chiều dài lá thứ 1, số lá chét 1 bên cao hơn so với cây dừa Dứa trồng trên đất xám Tây Ninh và đất phù sa nhiễm mặn ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
3.2 Đề nghị 
-         Tiếp tục theo dõi sinh trưởng phát triển và năng suất cây dừa Dứa trên các vùng đất khác nhau để có kết luận cụ thể về khả năng thích ứng của chúng.
-         Theo dõi thêm một số điểm trồng dừa Dứa nhập ở các vùng sinh thái khác để đánh giá chính xác hơn về khả năng thích ứng của chúng.
-         Nghiên cứu chế độ bón phân và chăm sóc thích hợp cho cây dừa Dứa nhập phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương.

Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao

16:29 |
Lập dừa dứa là tên quen thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam Phước (Châu Thành) đã đặt cho anh Hồ Văn Lập. Bởi, toàn xã chỉ có khoảng 5 ha diện tích trồng dừa dứa, anh Lập là một trong những người đầu tiên của xã đến với mô hình này.

Theo anh Lập, dừa dứa trồng 27 tháng cho trái, trước khi trồng phải chọn giống kỹ, để phân biệt các loại dừa giống khác, dừa dứa có đặc điểm lá, rễ đều có mùi thơm lá dứa. Vì vậy, khi mua để tránh nhầm lẫn nên vò lá, rễ từng cây một. Ngoài đặc tính nước ngọt thanh chung của dừa, thì dừa dứa còn có đặc tính riêng là hương thơm dứa. Đó cũng là một trong những ưu điểm làm tăng thêm giá trị của dừa dứa.

Hiện tại, anh có 8.500 m2 đất trồng dừa dứa. Trong đó, dừa hơn 5 năm tuổi đang cho trái ổn định khoảng 6.000m2 đất, còn lại dừa 2 năm tuổi cũng cho những trái đầu tiên. Dừa giống trước đây được anh mua từ Trung tâm giống cây trồng của tỉnh, Trung tâm dừa Đồng Gò.

Về kỹ thuật trồng dừa dứa anh Lập cho biết cũng không khác gì so với các loại dừa khác. Trong vườn dừa cây nào cũng ngay hàng thẳng lối và cho sai trái do anh Lập trồng khoảng cách là 6,5m x 6,5m (khoảng 250 cây/ha), có hệ thống thoát nước tốt, tùy theo đất cao hay đất thấp mà xẻ mương cho thích hợp. Đối với đất cao mương thoát nước là 1,5m, và rộng hơn đối với đất thấp. Không riêng gì dừa dứa mà hầu hết các loại dừa thường bị bọ dừa, kiến vương, bệnh thối bẹ,… vì vậy phải theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, để dừa có năng suất cao, độ ngọt và mùi thơm được ổn định còn tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc, bón phân. Chế độ và cách bón phân cũng tùy vào từng loại đất mà có liều lượng và loại phân thích hợp. Nên sử dụng phân đơn kết hợp với phân hữu cơ trong canh tác dừa để đảm bảo cung cấp đầy đủ các yếu tố đa trung vi lượng cho dừa, như: đạm, lân, kali, canxi, lưu huỳnh, bo,… nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng. Lượng phân trung bình được anh Lập sử dụng là 1 cây/năm khoảng 1kg urea + 1kg lân nung chảy + 1kg lân super + 1kg kali + 10-20kg phân hữu cơ hoai và ít phân vi lượng khác. Chia thành 6 lần để bón trong năm, cách bón phân là xung quanh gốc, cách gốc khoảng 1-2m. Sau khi bón phân xong, tưới nước cho phân tan, dừa dễ hấp thu. Đó là lượng phân dùng cho dừa lớn, đối với dừa khoảng 2 năm tuổi, lượng phân = 1/2 và cách bón cũng chia đều tương tự.


Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Anh Hồ Văn Lập phấn khởi với cây dừa dứa 2 năm tuổi cho trái chiến.

Hiện nay, không ít nhà vườn trồng dừa dứa băn khoăn bởi mùi thơm và độ ngọt của nước không ổn định. Anh Lập luôn tự tin về điều này và phấn khởi nói: “Cách bón phân là chia đều thành nhiều lần trong năm, giúp sai trái, duy trì độ ngọt nước và mùi thơm ổn định, đặc biệt giai đoạn cây cho trái, cứ 2 tháng bón phân 1 lần. Đó là một trong những bí quyết thành công”.

Nhìn bên ngoài, trái dừa dứa cũng không có điểm gì nổi bật so với các loại dừa khác. Vì vậy, anh Lập khuyến cáo nên đến vườn hoặc những nơi bán lẻ có uy tín, đáng tin cậy để mua không bị nhầm. Trong lần đầu tiên thương lái vào vườn mua cũng thử từng cây một để xem có phải dừa dứa không. Từ đó về sau, cứ khoảng 20 ngày thương lái vào tận vườn mua, 1 lần thu hoạch khoảng 500-600 trái, giá 7.000-8.000 đồng/trái vào mùa nắng có khi lên tới 14.000-15.000 đồng/trái không cần phải thử như lần đầu tiên- anh Lập nói.

Theo tính toán của anh Lập, mỗi cây dừa dứa trung bình cho khoảng 100 trái/năm, chi phí thấp, khoảng 50 ngàn đồng/cây/năm (công chăm sóc, phân, thuốc,…). Người trồng dừa dứa lợi nhuận gấp đôi so với các loại dừa uống nước khác.

Ngày nay, dừa không còn là cây trồng truyền thống của người dân Bến Tre mà đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực được ngành chức năng quan tâm, đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế của nó. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cũng đã triển khai thực hiện dự án: “Du nhập trồng và phát triển 500 ha dừa dứa tại tỉnh Bến Tre” từ năm 2006, giai đoạn đầu là mô hình 50 ha và trong giai đoạn nhân rộng cũng thực hiện thành công được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu dự án “Thực hiện giai đoạn nhân rộng dự án du nhập, trồng và phát triển 200 ha dừa dứa tại Bến Tre” tháng 10/2011.

KIM TUYỀN
Theo http://sonongnghiep.bentre.gov.vn