Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn
9/10 10 bình chọn

Dừa sáp Trà Vinh muốn ngon phải ăn đúng cách

16:45 |
Dừa sáp Trà Vinh nức tiếng xa gần bởi sự ngon lạ và cái giá phải trả cho một quả dừa lên tới tiền trăm.

Làng triệu phú dừa sáp Cầu Kè tỉnh Trà Vinh, một quả dừa sáp bằng 70 quả dừa thường, đến Trà Vinh mà không thưởng thức dừa sáp thì đúng là phí cả chuyến khám phá Tây Nam Bộ... Đó là những thông tin tôi được được nghe nhiều người nói về thứ dừa rất đặc biệt này.

Tìm hiểu kỹ hơn, tôi khám phá ra rất nhiều điều thú vị về quả dừa trứ danh đất Trà Vinh này. Đầu tiên phải giải thích qua đôi chút về tên dừa sáp. Đó là một giống dừa sống trên đất Trà Vinh, nơi mà nhiều người nói dừa ngon và đúng chất nhất là ở Huyện Cầu Kè trong tỉnh.

dừa sáp trà vinh

Dừa sáp Trà Vinh.Ảnh minh họa

Dừa sáp rất dày cùi, ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có một lớp "sáp" chính là lớp cơm dừa dày ra "hút" lấy nước dừa tạo thành sáp xôm xốp, deo dẻo. Có những quả dừa sáp khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa, chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt y như quả dừa xiêm người ta làm thạch.

Thực ra nếu nhìn bằng mắt thường, chẳng thể phân biệt được đâu là dừa sáp, đâu là dừa thường. Cái này phải do những người trồng dừa lâu năm chọn lựa. Dừa sáp cũng là một giống dừa riêng biệt, tuy nhiên, điều khá lạ, không phải quả của cây dừa sáp nào cũng đặc ruột. Một buồng dừa sáp trên 10 trái thì chỉ có 2-3 trái dừa sáp là "sai" quả rồi.

Căn cứ hình dạng, màu sắc trái tại Trà Vinh hiện có năm giống dừa sáp: dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng.

dừa sáp

Nhìn bề ngoài, thật khó phân biệt dừa sáp với dừa thường.

Mặc dù được trồng khá rộng rãi, nhưng vì cả cây dừa mới có vài trái lên sáp dày nên trái dừa sáp thành ra rất độc đáo và quý hiếm. Không phải lúc nào cũng có thể mua được. Do vậy, giá của trái dừa sáp này cũng cực đắt, rơi vào khoảng từ 120.000-150.000 đồng/trái. Có thời điểm khan hiếm lùng được một trái dừa sáp có giá lên tới 250.000-400.000 đồng/trái.

Nếu là người địa phương khác, nhất là ở các tỉnh xa, với giá đó để thưởng thực một đặc sản có một không 2 tại Trà Vinh thì cũng không quá túi tiền. Nhưng nếu so sánh với vùng đất dừa, khi chỉ với vài nghìn đồng bạn cũng đã được thưởng thức một trái dừa ngọt ngon mát lịm thì giá của dừa sáp quả đáng suy nghĩ.

Nhưng quả thật 1 điều: đắt sắt ra miếng, ai đã từng nếm thử vị thơm ngon và lạ của món dừa này dù phải trả giá cao cũng quyết mua bằng được mang về làm quà sau chuyến đi dông dài khám phá miền Tây Nam Bộ.
Ậy vậy, ăn món dừa này lại không hề đơn giản! Nó không dành cho kẻ khát cháy cổ đang thèm nước uống, hay đút căng bụng no bớt cơn đói dọc đường gió bụi. Cũng không dành cho kẻ tò mò xem trái dừa này như thế nào mà đắt gấp vài chục lần quả dừa bình thường.

Bạn đừng tưởng tượng bổ đôi quả dừa (nhớ vẫn phải để một cái bát hứng nước vì nhiều quả nước dừa nhiều vẫn chưa lên sáp hết), dùng một chiếc muỗng hay thìa mà ăn lấy lăn để. Ăn xong rồi mà như không tin vào miệng mình: dừa sáp là đây sao, ngon tới mức cứ tưởng mình đang ăn... nến!

Nếu bạn ăn dừa sáp giống như nạo cùi dừa thông thường bạn sẽ thất vọng vì nó chẳng khác nào bạn đang ăn... nến.

Thì đúng, tên gọi món này nôm na chính là "dừa nến". cái sáp deo dẻo mềm mềm ấy đúng là ăn không chẳng khác gì nến. Theo khoa học thì tinh chất dầu dừa cũng để trộn làm nến. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn nhận xét nó giống nến.
Thế là bạn ức vì nghe báo chí ca tụng, nghe kẻ khác truyền miệng, bị trí tò mò kích thích để ăn một thứ vài trăm ngàn mà lại không bằng một quả dừa 2.000 đồng no căng bụng và mát lịm cuống họng.

Nhưng bạn ơi, bạn đã sai lầm khi thưởng thức món dừa này chưa đúng cách. Món này muốn ngon nhất phải nạo ra làm sinh tố. Phải thêm ít đường, ít sữa, ít đá bào vào thì thôi rồi, nó tuyệt ngon. Theo nhiều du khách đã "kinh" qua thì khi hút hết ngụm đầu tiên của món sinh tố dừa sáp này đầu lưỡi tê đi vì vị mát, cuống họng thì ngọt lịm, còn mũi thì như... nức ra bởi mùi thơm ngào ngạt, beo béo.

Vậy đó, ai khi uống xong cốc sinh tố dừa với giá 20.000 đồng đều đồng loạt "móc" hầu bao xách về một quả dừa với giá gấp đến chục lần cốc sinh tố để làm quà, chia sẻ với họ hàng người thân về thứ đặc sản này.

Tại Trà Vinh, bạn bắt gặp rất nhiều hàng bán dừa sáp ở Cầu Kè, họ treo lủng lẳng những trái dừa để làm hiệu. Khi mua bạn nhớ quan sát qua hình dáng như miêu tả bên trên. Tuy nhiên, để chắc chắn, bạn nên nói chủ quán bổ luôn cho bạn, nếu bên trong ruột dày, phần sáp xốp lên như bánh kem, phần cùi còn ngậm nước thì sền sệt như món thạch thì đúng là dừa sáp chính hiệu.

Nguồn : carviet.com


Dừa Sáp là gì?

17:09 |
Dừa Sáp theo tiếng Tagalog của Philippines là “Makapuno”. “Maka” có nghĩa là “hầu như” và “puno” có nghĩa là “đầy”, do đó “Makapuno” có nghĩa là “hầu như đầy”, chỉ hiện tượng có rất ít nước hoặc hầu như không có nước của giống dừa này. Giống dừa đặc ruột này được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Laguna và Tayabas (Quezon - Philippines ngày nay) và cũng được đề cập trên tạp chí khoa học lần đầu tiên vào năm 1914. Đến năm 1937 những nghiên cứu về dừa sáp đã cho kết quả ban đầu về di truyền tính trạng cơm dừa đặc ruột của dừa Sáp. Người ta quan tâm đến giống dừa đặc ruột chủ yếu là vì tầm quan trọng kinh tế của nó và vì nó có 3 đặc điểm thu hút các nhà nghiên cứu dừa đó là: (1) Cơm dừa mềm, sốp, nước dừa sền sệt như keo; (2) Cây dừa mang quả dừa đặc ruột có ngoại hình như cây dừa bình thường; (3) Trái dừa đặc ruột không có khả năng nảy mầm và đặc điểm đặc ruột của cơm dừa sáp được kiểm soát bởi một gen đơn lặn.
Một số đặc điểm cơ bản về hình thái học của dừa Sáp
Cây dừa sáp có trái đặc ruột trông giống với cây dừa bình thường về tất cả các phần, từ lá, thân, hình dáng, màu sắc và kích thước trái. Tuy nhiên, ở tuổi cho trái, chúng có thể được phân biệt bằng cách kiểm tra trái dừa. Chắc chắn những cây dừa sáp sẽ cho trái dừa đặc ruột ở một tỷ lệ nào đó. Trái dừa đặc ruột được phân biệt với trái dừa bình thường bằng cách lắc hoặc bổ đôi những trái dừa khô (từ 10 tháng tuổi trở lên). Nếu đặc ruột, khi lắc những trái dừa này không nghe được tiếng óc ách bên trong do phần nước dừa trở nên sền sệt.
Adriano và Manahan (1931) phân loại dừa đặc ruột theo 3 kiểu phổ biến. Kiểu đầu tiên (kiểu A), phần nước chỉ hơi sền sệt, phần cơm dừa giống như cơm nhão và có độ dày cơm dừa giống trái dừa bình thường. Kiểu 2 (kiểu B), phần nước sệt hơn, trắng đục, phần cơm dừa dày hơn cơm dừa bình thường, lớp cơm dừa gần gáo dừa trông giống như cơm nhão, lớp kế mềm hơn và bông lên vào bên trong. Trong khi ở kiểu 3 (kiểu C), nước dừa hầu như không còn mà được thay thế bởi phần cơm dừa rất nhão và béo. Giống như hai kiểu kia, lớp cơm dừa cận gáo dừa của trái dừa đặc ruột kiểu 3 giống cơm nhão, lớp bên trong sốp, mềm hầu như chiếm đầy không gian bên trong trái.
Một số đặc điểm cơ bản của cơm dừa đặc ruột trên cây dừa sáp
Thành phần cơm dừa sáp tương tự như cơm dừa của trái dừa bình thường, bao gồm 60% nước, 53% chất béo, 7,5% chất đạm, và 25% chất hữu cơ, 5% chất xơ thô và 2,5% tro (ngoại trừ ẩm độ, các thông số được tính toán dựa trên trọng lượng khô). Cơm dừa đặc của trái dừa sáp có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái. Đường tổng số không giảm và đường hòa tan của hai loại trái cũng khác biệt có ý nghĩa ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái. Những sự khác biệt này là đặc điểm chỉ thị quá trình trao đổi chất khác thường của dừa sáp.
Đặc tính tế bào học của cơm dừa đặc tương tự như các khối u bướu của thực vật và động vật (Abraham et al, 1965; dela Cruz và Ramirez, 1968). Quá trình này là do một kiểu thay đổi tế bào có khả năng di truyền có liên quan đến cơ chế điều tiết. Ngoại trừ dừa sáp, chưa có trường hợp nào được ghi nhận xuất hiện khối u di truyền trong thực vật. Số liệu từ kết quả phân tích thành phần hóa học của cơm dừa đặc chỉ ra hệ thống trao đổi chất rất khác biệt so với cơm dừa bình thường. Có hai kiểu chu kỳ tổng hợp sinh học hoạt động liên tục trong các tế bào khối u: (1) chu kỳ thứ nhất liên quan đến các chất điều hòa tăng trưởng, những chất này thiết lập nên các quy trình trao đổi chất trong sự phân chia và tăng trưởng của tế bào; (2) chu kỳ thứ hai liên quan đến những sản phẩm cần thiết cho điều kiện phát triển khối u (Braun, 1981).
Del Rosario và de Guzman (1981) tìm thấy hoạt động kích thích tăng trưởng cao hơn và các chất kích thích tăng trưởng giống như cytokinin nhiều hơn trong cơm dừa đặc so với cơm dừa bình thường.
Hai loại kích thích tố α-D-galactosidase và –mannosidase trong trái dừa đặc ruột có thể gây ra việc không thể tổng hợp hoặc tổng hợp được rất ít chất kích thích tố galactomannan dẫn đến sự thiếu dinh dưỡng và năng lượng cho phôi. Vì vậy đó có thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng không thể nảy mầm của phôi dừa đặc ruột.
Đặc điểm di truyền của cơm dừa đặc ruột trên cây dừa sáp
Bằng phương pháp thụ phấn nhân tạo trên cùng cây và thụ phấn chéo giữa hai cây dừa sáp với nhau đều ghi nhận kết quả như sau: tỷ lệ giữa trái bình thường/trái đặc ruột là 3:1 cho phép kết luận cơm dừa đặc của trái dừa sáp được kiểm soát bởi một gen lặn. Khi thụ phấn chéo qua lại giữa cây dừa sáp và cây bình thường cho kết quả tất cả trái đều bình thường. Kết quả này khẳng định một cách chắc chắn cơm dừa của trái dừa sáp không đặc ruột được quy định bởi gen trội. Vì vậy những trái dừa thu được từ những cây dừa sáp tự thụ phấn sẽ có 3 kiểu gen: (1) MM: trái dừa sáp với cơm dừa bình thường (MMM); (2) Mm: trái dừa sáp có kiểu hình của cơm dừa bình thường (MMm và Mmm) và (3) cây dừa sáp được trồng sẽ mang trái đặc ruột và sẽ không thể nảy mầm là mang gen lặn mm (mmm).
Các phương pháp nhân giống dừa sáp và cải thiện tỷ lệ trái đặc ruột trên cây dừa sáp
Trong thực tế, dừa sáp được nhân giống bằng cách trồng những trái dừa bình thường thu được từ cây dừa sáp hoặc nuôi cấy phôi của trái dừa đặc ruột trong phòng thí nghiệm. Từ năm 1996 Philippines bắt đầu thực hiện chương trình thương mại và phát triển kỹ thuật toàn diện về nuôi cấy phôi dừa sáp. Chương trình này nhằm nhân giống dừa sáp cấy phôi quy mô lớn nhằm sản xuất số lượng lớn cây giống dừa sáp cho sản xuất.
Bằng mắt thường cũng không thể phân biệt được cây dừa sáp cấy phôi với cây dừa thường hoặc cây dừa sáp được nhân giống từ trái. Về điểm này, cây dừa sáp cấy phôi có khả năng cho 100% trái dừa đặc ruột. Ngược lại những cây dừa sáp được nhân giống từ trái chỉ có khả năng mang rất ít trái dừa đặc ruột trên buồng.
Dừa sáp ở Việt Nam
Ở Việt Nam, dừa sáp được tìm thấy chủ yếu ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, với diện tích gần 200 ha, trong đó có khoảng 50 ha dừa đang cho trái. Giá trái dừa sáp đặc ruột biến động theo mùa, vào những dịp lễ hội giá trái dừa sáp đặc ruột lên đến 200.000 – 250.000 đồng. Hiện tại, giá dao động từ 140.000 - 170.000 đồng. 
Kết quả khảo sát và đánh giá các đặc điểm hình thái của dừa sáp ở Việt Nam cho thấy dừa sáp của Việt Nam có thể phân thành 3 nhóm dựa vào các chỉ tiêu số lượng của thân, lá, hoa, trái và các chỉ tiêu chất lượng của cơm dừa để mô tả và phân loại như sau:
  • Trái dừa còn tươi có 2 màu: màu xanh lá cây và màu vàng nâu
  • Có 3 dạng trái
  • Có 3 cỡ trái
  • Có 2 kiểu thụ phấn
  • Có 2 kiểu cơm dừa đặc ruột
Bảng 1. Phân nhóm dừa Sáp Việt Nam
Đặc điểm mô tả
Nhóm I
Nhóm II
Nhóm III
Kích thước trái
Nhỏ
To
Trung bình đến to
Hình dạng trái
Tròn
Từ thon dài đến hình quả lê
Tròn
Màu sắc vỏ trái còn tươi
Xanh
Xanh
Vàng nâu
Kiểu đặc ruột của cơm dừa(*)
B
A
A
Ghi chú:
Kiểu A: cơm dừa mềm như cơm nhão, nước dừa có độ nhớt nhẹ, độ dày cơm dừa chỉ dày hơn cơm dừa bình thường một chút.
Kiểu B: nước dừa sền sệt, có màu trắng trong, cơm dừa sốp, mềm, dày hơn gấp đôi cơm dừa thường, lớp cơm dừa gần gáo dừa mềm như cơm nhão, lớp cơm dừa bên trong sốp và bong lên không đều.
 Bảng 2. Đặc điểm sinh học của hoa dừa Sáp
Đặc điểm
Dừa Sáp nhóm
I
Dừa Sáp nhóm
II
Dừa Sáp nhóm III
Trung bình số hoa cái/ bông mo
21,8
15,3
13,1
Pha đực (ngày)
16,1
13,5
14,9
Pha cái (ngày)
4,1
4,6
4,1
Số ngày pha cái của bông mo thứ nhất (n) trùng với pha đực của bông mo số 2 (n+1)
3,5
-1,8
2,0
Do đặc điểm di truyền của dừa sáp và đặc điểm sinh học của hoa tự, để gia tăng tỷ lệ trái đặc ruột trên cây dừa sáp có thể thực hiện các giải pháp sau:
  1. Cải thiện và tăng cường điều kiện dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân cân đối. Phân bón có thể cải tiến sự ra hoa, tăng số lượng phát hoa trên cây nhằm tăng khả năng trùng pha giữa pha đực và pha cái của các hoa tự khác nhau trên cùng cây, điều đó giúp làm tăng khả năng tự thụ phấn của cây.
  2. Đốn bỏ các cây dừa bình thường trong vườn dừa sáp nhằm tăng khả năng nhận phấn từ cây dừa sáp để tạo ra trái đặc ruột.
  3. Trồng cây dừa sáp cấy phôi trong điều kiện có kiểm soát để thu tối đa tỷ lệ trái đặc ruột.
Th.S Nguyễn Thị Lệ Thủy
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Theo festivaldua.bentre.gov.vn

Đặc sản dừa sáp Trà Vinh

13:21 |
Người miền Tây thường ví von “đến Trà Vinh mà không thưởng thức dừa sáp thì coi như chưa đi”. Bài viết sau xin giới thiệu với quí vị khán giả thứ quả thơm ngon này.
Dừa sáp đặc sản Trà Vinh ảnh minh họa

Dừa sáp còn gọi là dừa kem. Loại dừa này thường chỉ trồng được tại vùng Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Dừa sáp dày cùi. Lớp cơm dừa đặc ruột là lớp "sáp", bên trong xốp mềm, thường ít hoặc không có nước, mùi thơm ngào ngạt và có vị béo ngậy.

Dừa sáp là một giống dừa đặc biệt và không phải quả của cây dừa sáp nào cũng đặc ruột. Một buồng dừa sáp có hơn 10 quả sẽ chỉ có 2-3 quả là dừa sáp. Chính vì thế, dừa sáp có giá bán khá cao, dao động từ 120.000-150.000 đồng/quả.

Dừa sáp có thể chẻ đôi, cầm thìa ăn ngay tại quả. Vào những ngày hè, dừa sáp là món giải khát bổ dưỡng rất thơm ngon.

Xem thêm video về đặc sản dừa sáp Trà Vinh các bạn nhé: