Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn Vựa Dừa Xiêm Bến Tre Ngọc Lài Mang Đến Sự Tươi Mát Cho Bạn
9/10 10 bình chọn

Gặp gỡ những nông dân được tôn vinh “Người trồng dừa”

16:14 |
Lễ tôn vinh “Người trồng dừa” nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ IV năm 2015. Mục đích nhằm quảng bá nét văn hóa bình dị nhưng độc đáo, tính cần cù, sáng tạo của nông dân xứ Dừa trong kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dừa qua bao đời nay. Theo ông Bùi Quang Tạo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, sẽ có 15 nông dân được tôn vinh tại lễ hội lần này.


dừa xiêm

Ông Nguyễn Văn Dũng (trái) trao đổi với cán bộ khuyến nông về kinh nghiệm để dừa tăng năng suất. Ảnh: H. Vũ

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp Thới Trị, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm. Ông Dũng xuất ngũ năm 1984 về sống với cha mẹ, canh tác 9 công đất từ vườn tạp chuyển sang trồng mía, rồi trồng cây có múi nhưng không thành công. Hơn 10 năm qua, ông tập trung trồng dừa xiêm xanh truyền thống (xiêm rặt), trong đó trồng chuyên canh 100 cây dừa xiêm xanh trên diện tích 4 công. 100 cây dừa xiêm này cho trái khá ổn định. “Trước năm 2010, tôi bán dừa tươi để giải khát, từ năm 2010 đến nay chủ yếu để khô bán dừa giống; mỗi năm tôi bán khoảng 10 ngàn trái dừa để giống, còn lại bán khoảng 5.000 trái tươi để giải khát, sau khi trừ chi phí (khoảng 12 triệu đồng), còn lãi khoảng 63 triệu đồng/năm. Dừa uống nước ở đây giá bán luôn cao hơn các chỗ khác. Hiện giờ vào mùa nắng, thương lái đến tận vườn dừa của tôi mua với giá 78 ngàn đồng/chục”.

Trước năm 2010, vườn dừa xiêm của ông Dũng có năng suất không cao, sau đó ông tập trung chuyển đổi khâu chăm sóc bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là việc bón phân, tưới nước. Về kỹ thuật tăng năng suất vườn dừa, ông Dũng cho biết: “Tôi áp dụng câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” vào trồng dừa. Mùa nắng, mỗi tháng, tôi tưới nước 7 - 9 lần; thường sử dụng phân NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15. Đầu và cuối mùa mưa, tôi rải thêm phân DAP. Dừa cỡ lớn (có đường gốc khoảng 3 tấc), tôi rải 4kg phân/gốc/năm, trong đó chia ra 8 lần/gốc; không đào rãnh xung quanh gốc để bón phân vì lúc đào, dừa bị đứt rễ, chỉ rải lan cách gốc khoảng 1m trở ra, sau đó tưới nước vừa phải trong 3 ngày liên tiếp để phân thấm vào đất. Dừa xiêm trồng tốt nhất là cây cách cây 6m. Với cách chăm sóc như thế, năng suất dừa xiêm của tôi tăng dần từ 12 trái/buồng lên 22 trái/buồng”. 

Còn ông Võ Duy Kha ở ấp 4, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre thì có kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh để dừa ra trái sai và ổn định. “Tôi trồng 100 cây dừa ta trên diện tích 5 công được 15 năm tuổi, đang cho trái khá ổn định. Những năm gần đây, bọ cánh cứng hoành hành rất dữ, nhất có thêm bọ vòi voi, thế nhưng vườn dừa của tôi vẫn cho trái sai và ổn định. Đó là do tôi sử dụng một số chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học: Metarhizium, Beauveria, Trichoderma,  Momosertatin, Ditacin, Ketomium… Đây là những loại thuốc trừ sâu không gây hại cho thiên địch. Bên cạnh đó, tôi nuôi nhiều kiến vàng trên cây dừa. Kiến vàng góp phần loại trừ bọ cánh cứng, làm cho dừa xanh tốt hơn”, ông Kha nói về kinh nghiệm sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để dừa sai trái. Nhờ nắm vững kỹ thuật bón phân, thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học nên hàng tháng 100 cây dừa ta của ông Kha cho thu hoạch khoảng 800 trái, thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/tháng.

Chia tay ông Kha, chúng tôi tìm đến hộ bà Đặng Thị Bé ở ấp Hưng Phú, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm. Bà Bé có thành tích trồng xen cam, quýt trong vườn dừa để nâng cao thu nhập. “Gia đình tôi có 1,2ha dừa ta chuyên canh trồng từ năm 1960 đến nay. Những cây dừa cho ít trái, tôi mạnh dạn đốn bỏ để thay giống dừa khô có năng suất cao. Bên cạnh đó, tôi trồng xen cam, quýt vào vườn dừa, đồng thời tận dụng mặt nước trong vườn dừa để nuôi tôm càng xanh. Mỗi năm, tôi còn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha”, bà Bé chia sẻ. Không chỉ áp dụng thành công cho gia đình, bà Bé còn nhân rộng mô hình này cho 4 hộ liền kề, kết quả khá thành công.

Để được tôn vinh “Người trồng dừa”, theo ông Bùi Quang Tạo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hộ trồng dừa phải đạt 5 yêu cầu: hiệu quả kinh tế của vườn dừa đạt từ 70 triệu đồng/ha/năm; kỹ thuật chăm sóc áp dụng đúng theo quy trình khuyến nông hướng dẫn, đảm bảo về môi trường; hộ trồng dừa có diện tích từ 3 công trở lên; trồng chuyên canh hoặc trồng xen, nuôi xen hợp lý trong vườn dừa; có đóng góp tích cực cho cộng đồng từ các phong trào ở địa phương.
Theo baodongkhoi.com.vn

Trồng xen dừa xiêm dứa-ca cao-măng cụt cho hiệu quả kinh tế cao

17:18 |
10 năm trước ông Trần Văn Lộc (Tư Lộc) ở ấp Chợ Mới xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc nổi danh tỉnh Bến Tre là người trồng cam giỏi. Thời điểm đó, mỗi năm vườn cam xoàn trên 1 hécta đã đem về cho ông thu nhập trên 100 triệu đồng. Khi cây cam không còn tươi tốt do bị lập đất và nhiễm bệnh, ông chọn trồng cây khác phù hợp với thổ nhưỡng đất đai của mình. Ông tiếp tục thành công với cây dừa xiêm dứa, cây ca cao, hai loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Trước khi trồng dừa xiêm dứa, ca cao vào năm 2000, ông Tư Lộc đầu tư trồng sầu riêng, măng cụt xen trong vườn cam xoàn đang ở giai đoạn giảm năng suất.
Được chăm sóc đúng mức, cây sầu riêng và măng cụt trong vườn ông Tư Lộc phát triển rất tốt. Nhưng đến năm 2004, do nước mặn xâm nhập sâu, vườn cây không có đê bao, sầu riêng - loại cây trồng nhạy cảm với nước mặn bị ảnh hưởng trầm trọng. Cả vườn sầu riêng đang tươi tốt của ông Tư Lộc bị vàng lá, nhiều cây chết đứng.
Nhận thấy cây sầu riêng không thể sống tốt được trên mảnh vườn của mình, ông Tư Lộc quyết định đốn bỏ 1,2 hécta đất vườn sầu riêng mà xót lòng.
Khoảng năm 2005, cây dừa xiêm dứa được một vài nông dân trong tỉnh Bến Tre trồng bán trái, với ưu điểm nước ngọt có vị thơm mùi lá dứa đã trở thành giống dừa đặc sản phục vụ giải khát.
“Giữa lúc đang suy nghĩ tìm loại cây trồng nào phù hợp với vùng đất nhiễm mặn và ít tốn công chăm sóc khi tuổi tác ngày càng cao, tôi chợt nhận thấy cây dừa, đặc biệt là dừa xiêm dứa phù hợp và triển vọng, vì là loại cây mới, được tỉnh khuyến khích trồng. Có sẵn cây dừa xiêm dứa bên hông nhà gần 10 năm tuổi mà tôi trồng để giải khát, tôi lấy nhân giống nhiều đợt trồng đại trà trong vườn 100 cây dừa xiêm dứa xen trong vườn măng cụt” – ông Tư Lộc kể về việc đầu tư trồng dừa xiêm dứa của mình.
Biết ông Tư Lộc là nông dân sản xuất giỏi, chí thú làm ăn, các đơn vị thực hiện dự án phát triển cây trồng của tỉnh chọn ông thực hiện các mô hình điểm để nhân rộng.
Năm 2006, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre chọn ông thực hiện dự án phát triển cây ca cao của tỉnh, dự án hỗ trợ ông trồng 500 cây ca cao, đồng thời ông mua 500 cây trồng xen trong vườn dừa và vườn măng cụt.
Năm 2007, dự án phát triển 50 ha dừa xiêm dứa của tỉnh do Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ cung cấp giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục chọn và hỗ trợ ông trồng thêm 280 cây dừa xiêm dứa tại vườn nhà và khu vườn ở thành phố Bến Tre.
Tuy chưa thu hoạch đồng loạt, nhưng số dừa xiêm dứa ông Tư Lộc trồng đang phát triển rất tốt, được đánh giá là mô hình thực hiện dự án đạt hiệu quả tốt để nông dân trong tỉnh đến tham quan học hỏi kỹ thuật trồng.
Tại khu vườn 1,2 ha trồng xen dừa xiêm dứa, ca cao, măng cụt ở xã Thạnh Ngãi của ông Tư Lộc đã đem về cho ông thu nhập cao. 100 cây dừa xiêm dứa trồng năm 2006 ông thu hoạch gần 1 năm nay, giá thấp nhất nhất 8.000 đồng trái, cao nhất 15.000 đồng/trái, đạt thu nhập trên 20 triệu đồng.
Trong 2 năm 2008 - 2009, mỗi năm ông Tư Lộc thu hoạch, sơ chế bán khoảng 1 tấn hạt ca cao, đạt thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Năm nay, ca cao cho năng suất tăng hơn năm 2009 khoảng 30%, với giá hạt ổn định ở mức cao, vườn ca cao sẽ đem về cho ông Tư Lộc thu nhập trên 70 triệu đồng.
Theo tính toán của ông Tư Lộc, 3 năm nữa với diện tích 1,2 hecta đất trồng xen gồm 240 cây dừa xiêm dứa, 1.000 cây ca cao, 200 cây măng cụt giúp ông có khoảng thu nhập không dưới 300 triệu đồng/năm.
Chỉ riêng cây dừa xiêm dứa trồng được 7 năm tuổi, cho trái ổn định, bình quân 1 cây ông bán 10 trái mỗi tháng, mỗi trái giá bình quân 10.000 đồng, ông sẽ có nguồn thu trên 250 triệu đồng.
Là nông dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, đối với ông Tư Lộc, đầu tư trồng bất kỳ loại cây gì đều phải chăm sóc từ lúc mới trồng, dù cho là loại cây dễ trồng nhất.
Ông Tư Lộc nói: “Là nông dân, không phải trồng cây gì, hay nuôi con gì đều là vĩnh cửu, vì vậy phải chuẩn bị tư thế để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở thời điểm thích hợp. Nông dân mình có thói quen là cây gì dễ trồng thì không quan tâm chăm sóc, hoặc trồng chăm sóc cầm chừng nên cây không tốt năng suất không cao. Với tôi thì cây trồng nào cũng quan trọng, kể cả cây dừa cũng phải chăm sóc từ khi vừa trồng xuống đất”.   
Sản xuất giỏi, ông Tư Lộc nhận được nhiều bằng khen từ địa phương đến Trung ương, như bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung ương Hội nông dân Việt Nam và rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre.
Cao Dương
Theo festivaldua.bentre.gov.vn

Trồng thành công giống dừa xiêm đỏ trên vùng đất mặn

17:15 |
Qua chuyển đổi nhiều loại cây trồng có những vụ trồng trọt, sản xuất bị thất bại, năng suất không cao, làm ăn không có lãi. Năm 2003, nhân chuyến đi Giồng Trôm, anh Huỳnh Văn Tư ở ấp Tân Lễ 2 xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam) nhận thấy giống dừa xiêm đỏ cho trái sai và bước đầu anh đã  đặt mua 100 gốc dừa xiêm đỏ về trồng thử nghiệm trên 4.000m2 đất.
Qua thời gian chăm sóc anh nhận thấy dừa xiêm đỏ là loại cây có sức chống chịu tốt với vùng đất nhiễm mặn và chịu được phèn. Sau 3 năm trồng, dừa bắt đầu cho trái, bình quân vào những tháng mùa khô dừa xiêm đỏ có giá từ 4.500 đến 5.000 đồng/trái, gia đình anh có mức thu nhập khá.
Thời gian qua, giống dừa xiêm đỏ này đã được anh Huỳnh Văn Tư thu hoạch dừa uống nước và trái khô để ương giống bán. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình dừa xiêm đỏ, đến năm 2006, do giá cả thị trường không ổn định, việc kết đường không có lãi, anh đã sang lại cối đường và từ nguồn vốn tích lũy qua 5 năm anh mua thêm 6.000m2 đất tiếp tục trồng dừa xiêm đỏ và dừa ta xanh.
Anh Huỳnh Văn Tư cho biết: “Dừa xiêm đỏ là loại có vỏ mỏng, nước nhiều vị ngọt thanh. Đây chính là yếu tố quan trọng để dừa xiêm đỏ tiêu thụ mạnh trên thị trường, nhất là vào mùa nắng dừa xiêm đỏ bán được giá tăng gấp đôi so với mùa mưa. Ưu điểm của giống dừa xiêm đỏ là cho trái rất sai, bình quân 1 buồng dừa cho 15 đến 20 trái, năng suất cao hơn so với các giống dừa khác”.
Hiện vườn dừa xiêm đỏ của anh Huỳnh Văn Tư đã có tuổi thọ 7 năm. Từ thành công bước đầu, qua quá trình tích lũy từ dừa xiêm đỏ anh đã đầu tư chăn nuôi heo và bò.
Đến năm 2007, anh đã có nguồn vốn lớn mua đất và mở cơ sở kinh doanh mặt hàng xây dựng tổng hợp trên tuyến quốc lộ 57. Đến nay, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ trồng dừa hiện tại là 1 ha, một trại heo, một cơ sở sản xuất kinh doanh, tổng nguồn thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt, kinh doanh trừ đi các khoảng chi phí gia đình anh thu lãi mỗi năm trên nửa tỷ đồng.
Từ thành công của giống dừa xiêm đỏ của anh Huỳnh Văn Tư,  nhiều địa phương ở các tỉnh Nam Bộ đã đến tham quan mô hình và  kỹ thuật về giống dừa này.
Hoa Phượng
Theo festivaldua.bentre.gov.vn

Nông dân trồng dừa tiêu biểu

16:58 |
Những tháng qua, giá dừa khô giảm ở mức thấp đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều nhà vườn. Và ở thời điểm giá dừa thấp thì các vườn dừa trồng xen, đặc biệt trồng xen cây cacao đã đem lại hiệu quả thiết thực vì nông dân vẫn còn thu nhập tương đối khá trên mảnh vườn của mình so với chỉ trồng độc canh cây dừa. Mô hình trồng xen ca cao trong vườn dừa ta đặt năng suất cao của anh Bùi Văn Hoàng ở ấp 2, xã Hữu Định, huyện Châu Thành thấy cây cacao thật sự là cây trồng xen phù hợp, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích đất cho nông dân.
nông dân trồng dừa tiêu biểu
Trồng xen cacao trong vườn dừa có cách chăm sóc phù hợp
giúp anh Bùi Văn Hoàng tăng thêm thu nhập trên mảnh vườn của mình.

Hưởng ứng chương trình trồng xen cây ca cao trong vườn dừa, vườn cây ăn trái do tỉnh phát động, trong 2 năm 2003–2004, anh Hoàng đầu tư trồng 600 cây cacao vào 1 hecta đất vườn dừa từ 20 đến 30 năm tuổi.

Để việc trồng xen cacao trong vườn dừa đạt kết quả, anh Hoàng tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cacao của cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp; đồng thời anh dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm về cách chăm sóc cacao hiệu quả của những nông dân trồng cacao giỏi tại huyện Châu Thành để áp dụng. Nhờ vậy mà mô hình cây cacao trồng xen trong vườn dừa ta của anh hiện nay đạt kết quả cao, là mô hình điểm để địa phương phát động nhân rộng mô hình trồng cacao xen trong vườn dừa.

Để 2 loại cây trên cùng mảnh vườn đạt năng suất cao như trên thì cách chăm sóc của anh Hoàng là hàng năm anh chỉ bón phân cho cây cacao, định kỳ 2 tháng bón 1 lần, gồm các loại phân Urê - lân - kali theo tỷ lệ 1:2:2. Mỗi cây cacao anh bón 5 kg phân/năm.

Anh Hoàng cho biết, vì cây dừa và cây cacao trồng xen nhau nên chỉ cần bón phân cho cacao là dừa cũng được hưởng. Ngoài phân hóa học, hàng năm anh Hoàng còn bón bổ sung các loại phân hữu cơ như phân cút, phân gà, phân vi sinh để cung cấp thêm dưỡng chất cho cây.

Đặc biệt, vào mùa nắng, anh Hoàng thường xuyên tưới nước cho cây dừa, cacao để cây không bị khô hạn làm chậm phát triển, giảm năng suất. Nhờ vậy mà vườn dừa của anh Hoàng vào mùa treo năng suất chỉ giảm khoảng 20% so với mùa thuận. Nhiều nông dân trồng cacao không dám cắt tỉa cây theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn, điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất, đồng thời tạo điều kiện cho sâu bệnh phát tán trên cây.

Đối với anh Hoàng thì mỗi năm anh cắt tỉa cacao 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Các cành cacao có hướng đi xuống, đi ngang và đưa vào thân cây anh đều cắt bỏ. Cây cacao ra trái trong thân, nếu để trái trên các nhánh này sẽ không đạt năng suất, cũng như tạo điều kiện ẩm thấp cho sâu bệnh phát triển. Với cách cắt tỉa của anh Hòang, vườn cacao của anh rất thoáng, trái sai.

Mảnh vườn trồng xen đã đem về thu nhập khá cao cho anh hơn 3 năm nay. Anh Hoàng cho biết: “Năm 2010, tôi thu hoạch trên 5 tấn trái cacao, đạt thu nhập gần 25 triệu đồng; năm 2011 tôi thu hoạch 7 tấn trái, thu nhập gần 30 triệu đồng. 150 cây dừa, bình quân mỗi tháng tôi thu từ 840 trái đến 960 trái. Thời điểm giá dừa cao, với mảnh vườn trồng xen tôi có được thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng, và hiện tại giá dừa thấp cây cacao dù ở mùa nghịch, mỗi tháng tôi cũng thu hoạch từ 500 đến 600 kg trái. Nhờ tham gia chương trình UTZ canh tác cacao theo hướng chất lượng cao, trái cacao tôi bán cao hơn bình thường 300 đồng/kg, và với giá bán hiện tại 3.800 đến 4.100 đồng/kg tôi có thêm nguồn thu nhập mỗi tháng trên 2 triệu đồng”.

Nắm vững kỹ thuật canh tác cacao, trồng xen cacao trong vườn dừa hiệu quả, anh Hoàng được chọn tham gia đề án “Nghiên cứu phát triển, sản xuất cacao bền vững tại Việt Nam” của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Anh được hỗ trợ trồng 3.000 m2 cacao trong 5 năm để tìm thêm giống cacao mới, bổ sung cho bộ giống cacao của Việt Nam. Tới đây tại Festival Dừa tỉnh Bến Tre lần III năm 2012, anh Hoàng là một trong những nông dân được tôn vinh là người trồng dừa giỏi và được chọn tham gia toạ đàm về mô hình trồng cacao xen trong vườn dừa đạt hiệu quả kinh tế cao.   

CAO DƯƠNG
Theo festivaldua.bentre.gov.vn

Dừa xiêm xanh trồng kết hợp đạt năng suất cao

16:51 |
Chúng tôi đến hộ anh Nguyễn Văn Lộc, 51 tuổi là một nông dân sản xuất giỏi, từ bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Lập gia đình ra riêng, anh chị thuê đất ruộng trồng lúa và hàng năm thu về vài trăm giạ. Anh không dừng ở đó, mà còn phát triển chăn nuôi heo, bò, dê … Nhờ may mắn cộng với sự cần cù chịu khó, nên từ chỗ thuê đất canh tác, dần đến nay anh chị đã làm chủ thật sự 1,1 ha đất.
dừa xiêm xanh

Hiện anh đã và đang chuyển đổi qua trồng cây dừa xiêm xanh uống nước, mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Được anh hướng dẫn chúng tôi đến mảnh vườn dừa xiêm 4 công (4.000m2) bước vào năm thứ 4 đang thu hoạch. Với việc bán trái dừa xiêm do thương lái hái, nhà vườn khỏi phải thu hoạch nên rất “khoẻ”. Theo anh cho biết, dừa xiêm anh đang trồng là loại dừa xiêm xanh lai giống cho trái rất say, khi trổ buồng chuỗi bông có màu hơi vàng, kết trái từ 20 trái trở lên trên 1 buồng. Nước uống có độ ngọt thanh, không chua, nên thường được gọi là “dừa xiêm đường”. Còn dừa xiêm thường, buồng lúc trổ có màu xanh đọt chuối non, có từ 20 trái trở xuống/buồng. Hiện vườn dừa của anh mỗi tháng thu hoạch được 7-8 trăm trái (mỗi trăm bằng 120 trái). Giá dừa bán tại vườn hiện nay là 320.000đ/ trăm vào mùa nắng (mùa mưa giá có sụt đôi chút).
Nói về cách trồng, anh có biết: “Vào đầu mùa mưa, đào hố đường kính 0,6m, cây cách cây 6m, trồng hàng một nếu là bờ chiếc, còn bờ đôi thì trồng theo lối “nanh sấu” (xen kẽ), khoảng cách cũng như trên và cách mé mương 0,7m. Đào hố trồng sao cho khi đặt trái dừa giống nằm thấp hơn mặt đất chút đỉnh. Khi xuống giống, băm nhỏ đất mặt, trộn với phân chuồng hoai, phân lân và rơm rác mục lắp khoảng 2/3 trái giống, để cho cây giống dễ phát triển, cứ thế vô đất từ từ cho đến khi tàu lá ngang đầu mới lấp đất bít gốc, nhớ phủ rơm rác để giữ độ ẩm và làm cho đất được tơi xốp. Lúc cây còn nhỏ, cần rải phân lân, tưới phân DAP và rắc thuốc sát trùng lên đọt để trừ bọ dừa, theo định kỳ 2 tháng 1 lần.

Sang năm thứ 2 cũng chăm sóc như trên, nhưng thay phân DAP bằng NPK 16-16-8 rải theo định kỳ 3 tháng 1 lần. Sang năm thứ 3, cũng áp dụng như năm thứ 2, nhưng đổi phân NPK 16-16-8 bằng phân NPK 15-15-20. Thời gian cây kết trái, nên cho phân kali cao hơn phân đạm để cho nước dừa có hương vị ngọt và ngon. Riêng mỗi năm, vào mùa nắng bồi lên bờ một lớp bùn phù sa mỏng để tăng thêm độ đất phì nhiêu. Dưới mương thả cá nuôi kết hợp và trên bờ trồng xen cây ca cao. Còn một điều nữa, anh Lộc luôn nhắc nhở nên lột sạch nhen dừa giúp cho ngọn dễ nở nang và tránh được kiến dương đục phá.

Về phát triển cây dừa xiêm tại xã Tam Phước hiện nay, chúng tôi tìm đến anh Mười Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân xã. Anh cho biết: “Toàn xã đang phát triển trồng cây dừa xiêm xanh mỗi năm mỗi tăng dần và cây ca cao trồng xen cũng được bà con hưởng ứng một cách tích cực”. Anh hướng dẫn chúng tôi đi tham quan các vườn dừa xiêm xanh, trồng ca cao kết hợp đạt năng suất cao của chú Sáu Chằng, anh Bảy Điệp và những bà con khác. Với sự phát triển kinh tế hiện nay, người tiêu dùng lại càng ý thức cao, tránh dùng những mặt hàng sử dụng hóa chất nhiều sẽ gây độc hại. Cây dừa xiêm là cây trồng không có phun hóa chất lên trái, nên trái không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp cho nước dừa được mệnh danh một loại nước rất tinh khiết, an toàn cho người sử dụng.

Hy vọng sau một thời gian nữa, xã Tam Phước sẽ đưa thế mạnh của cây dừa xiêm xanh phát triển một cách đồng bộ, tạo thế mạnh cho nền kinh tế địa phương.

Dương Thanh Hải
Theo festivaldua.bentre.gov.vn